Chứng sợ không gian rộng là gì? Những thông tin cần biết

Khoảng 1% dân số Hoa Kỳ mắc chứng sợ không gian rộng. Không giống với cảm giác sợ hãi thông thường, người mắc chứng bệnh này có nỗi sợ vô lý, quá mức khi đến những nơi quá rộng hoặc kín, đông đúc. Nếu không được can thiệp, nỗi sợ có xu hướng gia tăng theo thời gian khiến bệnh nhân nhốt mình trong nhà và từ chối ra ngoài.

Chứng sợ không gian rộng là gì?

Chứng sợ không gian rộng (Agoraphobia) hay còn gọi là chứng sợ khoảng trống hoặc chứng sợ khoảng rộng. Tình trạng này đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi quá mức và không thể kiểm soát trước những không gian rộng hoặc không gian kín không thể thoát ra bên ngoài như thang máy, đám đông, xe bus, tàu hỏa… Agoraphobia được xếp vào nhóm rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu.

Chứng sợ không gian rộng
Chứng sợ không gian rộng là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu có tỷ lệ mắc bệnh chiếm 1.6% dân số

Thực tế, một số ít người sẽ có cảm giác không thoải mái khi ở trong những tình huống kể trên. Tuy nhiên, cảm giác này không giống với nỗi sợ hãi quá mức mà chứng sợ khoảng trống gây ra. Khi ở trong những tình huống này, bệnh nhân không thể kiểm soát nỗi sợ. Cảm giác sợ hãi mạnh mẽ bùng phát gây ra các triệu chứng thể chất như hồi hộp, run rẩy, nóng bừng, thở nông, mạch nhanh…

Chứng sợ không gian rộng thường đi kèm với rối loạn hoảng sợ nhưng cũng có khi khởi phát đơn độc. Giống như các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác, hội chứng này khởi phát chủ yếu ở giai đoạn thanh thiếu niên. Có khoảng 1% nam giới và 2% nữ giới được chẩn đoán mắc chứng bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ khoảng rộng

Đặc điểm chung của các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là cảm giác sợ hãi quá mức, vô lý và không tương xứng với tình huống. Đi kèm theo đó là phản ứng né tránh và các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng để gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến công việc, học tập, các mối quan hệ.

hội chứng sợ không gian rộng
Người bị hội chứng sợ không gian rộng trở nên sợ hãi tột độ khi ở trong không gian kín, đông đúc, không có lối thoát

Hội chứng sợ khoảng rộng cần được điều trị sớm để tránh tiến triển nặng. Có thể nhận biết hội chứng này thông qua các dấu hiệu sau:

  • Sợ hãi và lo lắng trước những không gian rộng như sân vận động, sân bay… hoặc những không gian kín, khó có thể thoát ra như đám đông, trung tâm thương mại, phương tiện công cộng (tàu điện, xe bus), rạp hát, lớp học…
  • Khi ở trong những không gian rộng và kín, nỗi sợ hãi gia tăng vô cùng mạnh mẽ. Ngay cả suy nghĩ về việc bản thân ở trong những tình huống này cũng làm cho người bệnh cảm thấy lo âu, sợ hãi.
  • Nỗi sợ quá mức sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật bao gồm thở nhanh, khó thở, mạch nhanh, đau thắt ngực, run rẩy, ớn lạnh hoặc nóng bừng, chóng mặt, choáng váng.
  • Để giảm bớt sự sợ hãi, người bị chứng sợ không gian rộng thường hạn chế ra khỏi nhà và né tránh hoàn toàn những tình huống kể trên.
  • Chứng sợ không gian rộng còn gây ra các hành vi né tránh như từ chối sử dụng phương tiện công cộng, đi thang bộ thay vì thang máy, mua sắm online thay vì xếp hàng tính tiền trong các trung tâm thương mại…
  • Trong trường hợp nặng, bệnh nhân gần như nhốt mình trong nhà và chỉ ra ngoài khi có người thân bên cạnh.
  • Có thể đi kèm với rối loạn hoảng sợ – một dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột không báo trước. Trong cơn, người bệnh có nỗi sợ dữ dội, mạnh mẽ về việc bị mất kiểm soát, sợ chết, sợ phát điên. Cơn hoảng sợ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm và không gian nào nhưng thường có xu hướng bùng phát ở không gian rộng hoặc kín.
  • Nỗi sợ về không gian rộng và kín ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học tập, làm việc, các mối quan hệ…

Các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 6 tháng mới được xem là hội chứng sợ không gian rộng. Nếu xảy ra trong thời gian ngắn, các biểu hiện này có thể là phản ứng tạm thời sau một số biến cố và sự kiện gây sang chấn.

Nguyên nhân gây chứng sợ không gian rộng

Agoraphobia được cho là kết quả của sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng này.

Một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc chứng sợ khoảng rộng bao gồm:

Di truyền

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, chứng sợ không gian rộng là tình trạng có khả năng di truyền. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ phát triển hội chứng này gia tăng nếu tiền sử gia đình mắc bệnh.

Giữa các rối loạn lo âu có mối liên hệ mật thiết. Người thân mắc các dạng rối loạn lo âu khác cũng là gia tăng nguy cơ phát triển chứng sợ khoảng trống ở con cái.

Sang chấn tâm lý

Chứng sợ không gian rộng thường bùng phát sau khi trải qua những sự kiện sang chấn. Thường gặp nhất là bị lạm dụng, hành hung, người thân qua đời đột ngột hoặc từng phải trải qua các sự kiện kinh hoàng ở không gian rộng, kín (kẹt thang máy, xảy ra hỏa hoạn hoặc sự cố giẫm đạp ở những nơi đông người không thể thoát ra).

Hội chứng sợ không gian rộng tiếng Anh
Người từng bị kẹt, nhốt trong không gian kín sẽ có nguy cơ phát triển hội chứng sợ không gian rộng

Nếu những sự kiện này xảy ra vào thời thơ ấu, nguy cơ phát triển chứng sợ không gian rộng là rất cao. Những trải nghiệm tiêu cực sẽ kích hoạt phản ứng “phòng vệ” của não bộ. Vì vậy, khi đứng trước không gian rộng hoặc không gian kín, não bộ sẽ kích hoạt phản ứng sợ hãi quá mức để cảnh báo nguy hiểm.

Ảnh hưởng của rối loạn hoảng sợ

Khoảng 30% trường hợp mắc chứng sợ không gian rộng đi kèm rối loạn hoảng sợ. Cơn hoảng sợ do rối loạn hoảng sợ thường khởi phát ở phạm vi ngoài nhà ở như trong thang máy, phương tiện công cộng, rạp chiếu phim, siêu thị, trung tâm thương mại…

Dần dần, người bệnh hình thành nỗi sợ vô lý với những không gian quá rộng và không gian kín, không thể tìm lối thoát. Đồng thời có xu hướng né tránh đến những địa điểm này vì lo sợ cơn hoảng loạn sẽ lại bùng phát.

Có các rối loạn tâm thần khác

Nguy cơ phát triển chứng sợ khoảng rộng tăng lên đáng kể khi có các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác. Những người có những vấn đề tâm lý này đều dễ bị lo âu, sợ hãi trước những tình huống bình thường, không tiềm ẩn mối đe dọa nào. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nỗi sợ quá mức với không gian kín, không có lối thoát và không gian rộng.

Hội chứng sợ không gian rộng nguyên nhân
Người bị rối loạn lo âu, trầm cảm sẽ dễ phát triển nỗi sợ vô lý, quá mức trước những không gian kín và rộng

Đặc điểm tính cách

Rối loạn lo âu nói chung và chứng sợ khoảng trống nói riêng thường gặp ở người có tính cách hay lo lắng, nhạy cảm, cẩn thận quá mức. Những người có dạng tính cách này dễ hình thành nỗi sợ hãi vô lý sau khi trải qua những sự kiện sang chấn trong cuộc sống.

Biến chứng, hậu quả của chứng sợ không gian rộng

Chứng sợ khoảng rộng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hội chứng này gần như không thể thuyên giảm nếu không can thiệp. Trường hợp không điều trị, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Ban đầu, bệnh nhân sẽ né tránh đến những nơi có không gian rộng, kín như thang máy, đám đông, phương tiện công cộng… nhưng dần dần sẽ từ chối ra ngoài nếu không có người thân đi cùng. Một số người gần như không ra ngoài và tìm mọi cách để nhốt mình trong nhà (đặt hàng online, lựa chọn các công việc có thể làm việc tại nhà…).

Hội chứng sợ không gian rộng
Hội chứng sợ không gian rộng nếu không được điều trị sẽ khiến người bệnh nhốt mình trong nhà và cách ly xã hội

Nhìn chung, người mắc chứng sợ khoảng trống không thể duy trì hiệu suất lao động như trước. Quá trình học tập cũng bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều trường hợp gần như không thể đến lớp vì những trở ngại do chứng Agoraphobia gây ra.

Những khó khăn mà bệnh nhân phải đối mặt sẽ sâu sắc hơn theo thời gian. Nhiều trường hợp phát triển trầm cảm thứ phát đi kèm với ý nghĩ và hành vi tự sát. Bất lực trước nỗi sợ vô lý của bản thân, một số người tìm đến bia rượu và chất gây nghiện để giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên, thói quen này càng làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe hiện có.

Hầu hết những trường hợp đã phát sinh biến chứng đều có tiên lượng xấu. Điều trị mất nhiều thời gian và chi phí, khả năng phục hồi cũng kém hơn so với những trường hợp được can thiệp từ sớm.

Chẩn đoán chứng sợ không gian rộng

Hội chứng sợ không gian rộng có những biểu hiện khá rõ ràng. Người bệnh hoàn toàn ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý và có không ít người nỗ lực kiểm soát nhưng không thể khống chế cảm giác sợ hãi.

Hiện nay, hiểu biết về các rối loạn tâm thần nói chung và chứng sợ không gian trống nói riêng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chẩn đoán ban đầu có thể chưa chính xác. Nhiều trường hợp phải mất một thời gian dài mới được chẩn đoán mắc chứng sợ không gian rộng.

sợ khoảng rộng
Chẩn đoán chứng sợ khoảng rộng dựa vào lâm sàng và được xác định bằng tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5

Các bước chẩn đoán chứng sợ không gian rộng:

  • Hỏi bệnh: Bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng trong chẩn đoán chứng sợ không gian rộng là hỏi bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gặp phải, mức độ của nỗi sợ, thời điểm triệu chứng khởi phát và kéo dài trong bao lâu. Những triệu chứng này liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống hay không.
  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ yêu cầu khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các bệnh lý thực tổn và một số rối loạn tâm thần gây ra triệu chứng tương tự.
  • Chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn DSM-5: Hiện nay, chứng sợ không gian rộng đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức. Sau khâu hỏi bệnh và khám sức khỏe, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 để đưa ra chẩn đoán chính thức.

Bác sĩ cũng sẽ sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 để loại trừ một số rối loạn tâm thần gây ra những triệu chứng tương tự như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn stress sau sang chấn… Các rối loạn này cũng khiến người bệnh né tránh việc ra ngoài, có xu hướng nhốt mình trong nhà nên cần chẩn đoán phân biệt trước khi đưa ra chẩn đoán chính thức.

Các phương pháp điều trị chứng sợ không gian rộng

Như đã đề cập, chứng sợ không gian rộng không thể tự thuyên giảm. Do đó, sau khi được chẩn đoán, tất cả các trường hợp đều phải can thiệp điều trị.

Hiện nay, tâm lý trị liệu là phương pháp tối ưu cho chứng sợ không gian rộng và một số ít trường hợp sẽ phải kết hợp thêm liệu pháp hóa dược. Dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng các phương pháp điều trị hiện tại đều có đáp ứng tốt.

Điều trị chứng sợ không gian rộng (Agoraphobia) bao gồm các lựa chọn sau:

Tâm lý trị liệu

Hầu hết các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu đều được điều trị bằng tâm lý trị liệu. Phương pháp này được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý thông qua hình thức giao tiếp. Hiện nay, liệu pháp tâm lý đã được phát triển toàn diện với hệ thống một loạt các kỹ thuật, phương pháp tác động trực tiếp đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.

Đối với chứng sợ không gian rộng, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp có hiệu quả nhất. Liệu pháp này giúp người bệnh nhân ra những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực của bản thân. Bằng cách thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi sẽ có những cải thiện tích cực.

Hội chứng sợ khoảng rộng
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị chứng sợ khoảng rộng

Trong CBT còn bao gồm liệu pháp phơi nhiễm. Liệu pháp này cho người bệnh tiếp xúc với tình huống gây ra nỗi sợ với mức độ tăng dần (từ tưởng tượng, sau đó đến hình ảnh, video clip và cuối cùng là trực tiếp đối mặt với tình huống). Dần dần, người bệnh học cách khống chế nỗi sợ và bình thường hóa việc đến những không gian trống hoặc kín.

Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn hướng dẫn người bệnh kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng, lo âu do chứng Agoraphobia gây ra. Những kỹ thuật này giúp ích rất nhiều trong việc quản lý cảm xúc, đặc biệt là nỗi sợ mạnh mẽ, lo lắng, đau khổ.

Sử dụng thuốc

Thuốc ít khi được chỉ định trong điều trị chứng sợ khoảng rộng vì không thể giảm nỗi sợ vô lý, quá mức về không gian rộng, kín, không có lối thoát. Dù vậy, liệu pháp hóa dược vẫn được cân nhắc nếu chứng sợ khoảng trống khiến bệnh nhân bị lo âu, hoảng loạn, mất ngủ, trầm cảm.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị chứng sợ khoảng trống:

  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)
  • Thuốc an thần, giải lo âu nhóm benzodiazepin

Thuốc an thần benzodiazepin chỉ được sử dụng ngắn hạn do nguy cơ lệ thuộc và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Ưu điểm của nhóm thuốc này là tác dụng nhanh, hiệu quả trong việc an dịu thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu.

SSRI và SNRI đều là thuốc chống trầm cảm nên cho hiệu quả chậm sau 8 – 12 tuần sử dụng. Khi thuốc phát huy tác dụng, cần giảm và ngưng hẳn thuốc an thần benzodiazepin. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm buồn bã, lo âu, đau khổ… do chứng sợ không gian rộng gây ra.

Thay đổi lối sống

Điều trị chứng sợ không gian rộng mất khá nhiều thời gian. Trong thời gian này, bệnh nhân cần tổ chức lại lối sống để nâng đỡ thể trạng và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Hội chứng sợ khoảng rộng
Người bị hội chứng sợ khoảng rộng nên ngồi thiền, thở bằng bụng… mỗi ngày để giảm bớt sự sợ hãi, lo âu

Người bị chứng sợ khoảng trống nên xây dựng lối sống theo hướng dẫn sau để quản lý bệnh hiệu quả:

  • Không uống rượu bia, không hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa caffeine.
  • Giải tỏa căng thẳng thông qua kỹ thuật thở bụng, ngồi thiền.
  • Tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe và giảm căng thẳng. Người bị chứng sợ không gian rộng nên tập các bộ môn có cường độ vừa phải như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe, chạy bộ…
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
  • Sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi.

Chứng sợ không gian rộng nếu được điều trị tích cực và chăm sóc đúng cách sẽ có những cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân vượt qua nỗi sợ, bình thường hóa khi đến những không gian rộng và kín, không có lối thoát. Vì vậy, nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

bị trầm cảm nên ăn gì
Bị trầm cảm nên ăn gì để giúp cải thiện tình trạng bệnh?

Người bệnh trầm cảm cần một chế độ ăn uống khoa học nhằm cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, điều chỉnh tâm...

Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng
Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng: Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng là một trong các trạng thái thường gặp của những ai lần đầu trải nghiệm cảm...

Stress gây thèm ăn, ăn uống quá đà và cách khắc phục an toàn

Stress không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn kéo theo nhiều vấn đề thể chất. Không ít người gặp phải tình trạng stress...

Rối Loạn Nhân Cách Nhóm A Là Gì? Những điều cần biết

Rối loạn nhân cách nhóm A nổi bật bởi sự kỳ quái, lập dị trong tư duy, hành vi, lối sống tách biệt và ít...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh