Rối Loạn Hoảng Sợ Là Gì? Biểu hiện, Chẩn đoán và Điều trị

Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn tâm thần khá phổ biến với tỷ lệ 1.6% dân số. Biểu hiện đặc trưng là các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Rối loạn này có tiên lượng tốt nếu được điều trị sớm, nhất là khi kết hợp cả liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu.

Rối loạn hoảng sợ là gì?

Hoảng sợ là trạng thái tâm lý thường thấy, xảy ra khi đứng trước những tình huống nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng hoặc lợi ích. Phản ứng này được xem là bình thường nếu tương xứng với hoàn cảnh. Trường hợp hoảng sợ bộc phát một cách đột ngột, không có lý do có thể là biểu hiện của rối loạn hoảng sợ.

Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) là rối loạn tâm thần đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát với mức độ sợ hãi vô cùng mạnh mẽ. Khác với nỗi sợ thông thường, cơn hoảng sợ do rối loạn này thường xuất hiện đột ngột và không được báo trước.

Rối Loạn Hoảng Sợ
Rối loạn hoảng sợ đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, đột ngột mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào

Mỗi cơn hoảng sợ kéo dài khoảng 5 – 15 phút nhưng cũng có khi kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Trong cơn, bệnh nhân cho rằng bản thân bị nhồi máu cơ tim, cảm giác sợ chết, sợ mất kiểm soát và sợ bị phát điên ập đến một cách không thể giải thích, gây ra nỗi sợ dữ dội, kinh hoàng.

Rối loạn hoảng sợ được xếp vào nhóm rối loạn lo âu vì có cùng đặc điểm là gây ra sự lo âu, sợ hãi quá mức và không tương xứng với tình huống. Thống kê cho thấy, khoảng 1.6% dân số thế giới mắc phải rối loạn này và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Bệnh thường khởi phát trong giai đoạn từ 25 – 45 tuổi.

Hiện tại, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh chưa rõ, còn nhiều tranh cãi. Nhưng may mắn là rối loạn này có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu.

Biểu hiện của rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ có biểu hiện điển hình và dễ nhận biết hơn so với các rối loạn lo âu khác như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu bệnh tật… Triệu chứng nổi bật là các cơn hoảng sợ bộc phát một cách đột ngột đi kèm với cảm giác sợ hãi mạnh mẽ không thể lý giải.

Rối loạn lo âu nói chung và rối loạn hoảng sợ nói riêng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Những dấu hiệu sau sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm để kịp thời thăm khám và điều trị.

Triệu chứng rối loạn hoảng sợ
Cơn hoảng sợ bộc phát đột ngột đi kèm với các triệu chứng thể chất là biểu hiện điển hình của rối loạn hoảng sợ

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn hoảng sợ:

  • Xuất hiện cơn hoảng sợ một cách đột ngột không được báo trước. Cơn hoảng sợ có thể xảy ra ở mọi môi trường, không gian, thời điểm…
  • Trong cơn, người bệnh cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim. Kế tiếp là xuất hiện nỗi sợ mạnh mẽ về việc bị phát điên, sợ chết, sợ mất kiểm soát.
  • Đi kèm với các triệu chứng thể chất do hệ thần kinh thực vật hoạt động quá mức bao gồm ra nhiều mồ hôi, đánh trống ngực, tim đập nhanh, thở nông, có cảm giác nghẹt thở, run tay chân, khó chịu hoặc đau thắt ở ngực.
  • Một số người còn gặp phải tình trạng đau bụng, buồn nôn, mất thăng bằng do chóng mặt, có cảm giác nóng bừng hoặc lạnh cóng.
  • Trong cơn hoảng sợ, mọi người xung quanh có thể quan sát thấy bệnh nhân dường như chết lặng do giải thể nhân cách.
  • Rối loạn hoảng sợ thường đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống (là cảm giác sợ hãi quá mức khi đến những nơi có khoảng rộng hoặc những nơi không có lối thoát như thang máy…).
  • Các cơn hoảng sợ thường kéo dài khoảng 10 phút nhưng cũng có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc dài hơn.
  • Tái phát các cơn hoảng sợ, có ít nhất 1 cơn hoảng sợ trong vòng 1 tháng.

Cơn hoảng sợ xảy ra thường xuyên khiến người bệnh thường trực cảm giác lo lắng và hành vi có những thay đổi đáng kể. Chẳng hạn như sợ ra ngoài, sợ phải đi một mình, sợ đến những nơi đông người vì lo sợ sẽ bùng phát cơn hoảng sợ trước mặt người lạ.

Trường hợp có đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống, bệnh nhân thường né tránh sử dụng phương tiện công cộng và gần như không đến những nơi đông người. Trường hợp nặng, bệnh nhân nhốt mình trong nhà và gần như không thể ra khỏi nhà nếu không có người thân đi cùng.

Nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ

Khác với các rối loạn lo âu khác, rối loạn hoảng sợ liên quan nhiều đến yếu tố di truyền và bất thường trong cấu trúc não bộ. Trong khi đó, các rối loạn lo âu khác thường có mối liên hệ mật thiết với stress và các sự biến cố trong cuộc sống.

Các nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ:

Di truyền

Rối loạn hoảng sợ là một trong những rối loạn tâm thần chịu ảnh hưởng của gen di truyền. Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh, nguy cơ gia tăng đến 24.7%, trong khi tỷ lệ ở người bình thường chỉ 2.3%. Đặc biệt những trường hợp sinh đôi cùng trứng, các bác sĩ nhận thấy nguy cơ mắc bệnh tăng lên gấp 5 lần so với sinh đôi khác trứng.

Triệu chứng rối loạn hoảng sợ
Di truyền là một trong những yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn hoảng sợ

Yếu tố sinh học

Những bất thường trong hệ thống giao cảm và GABA benzodiazepin được cho là có mối liên hệ mật thiết với rối loạn hoảng sợ. Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy ở người mắc bệnh lý này có các thụ cảm thể benzodiazepine ở thùy trước trán và hồi hải mã giảm đáng kể so với người khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, người bị rối loạn hoảng sợ cũng có nồng độ lactat trong máu tăng cao và nhạy cảm hơn với CO2. Các chất này khi vào cơ thể đều chuyển hóa thành CO2, sau đó đi qua hàng rào não gây ra hiện tượng tăng thông khí và làm kịch phát cơn hoảng sợ.

Căng thẳng, sang chấn tâm lý

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn hoảng sợ nhưng các sự kiện căng thẳng có thể khiến cho cơn hoảng sợ xảy ra thường xuyên với cường độ mạnh hơn. Tuy nhiên, vai trò của stress trong cơ chế bệnh sinh hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Bởi đa phần các cơn hoảng loạn đều xảy ra đột ngột, không có liên quan đến các tình huống đe dọa hay căng thẳng.

nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ
Căng thẳng trong cuộc sống có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của cơn hoảng sợ

Các yếu tố nguy cơ

Ban đầu, cơn hoảng sợ thường xảy ra đột ngột nhưng theo thời gian các cơn sẽ có xu hướng bùng phát ở một số tình huống nhất định. Hiện nay, những nghiên cứu về căn nguyên và cơ chế bệnh sinh vẫn đang được thực hiện.

Kết quả từ những nghiên cứu này cũng cho thấy vai trò của các yếu tố như:

  • Hút thuốc lá và dung nạp quá nhiều caffeine
  • Bị lạm dụng thể chất, tình dục, bào hành trong quá khứ
  • Cuộc sống có những thay đổi đột ngột như sinh con, ly hôn, chuyển đến nơi ở mới không có người quen

Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Biến chứng

Rối loạn hoảng sợ rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tim mạch, hô hấp bởi các triệu chứng thể chất vô cùng nổi trội. Hơn nữa, do tỷ lệ mắc bệnh không cao nên nhiều bác sĩ bỏ qua khả năng này. Không ít bệnh nhân bị chẩn đoán sai trong nhiều năm và chỉ được phát hiện khi các cơn hoảng sợ xảy ra với cường độ cao.

Nếu không được can thiệp sớm, rối loạn hoảng sợ sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Như đã đề cập, rối loạn này thường đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống. Nỗi ám ảnh về không gian quá rộng lớn và những nơi không có lối thoát như thang máy, trung tâm thương mại… sẽ khiến bệnh nhân hạn chế ra ngoài, có xu hướng nhốt mình trong phòng.

Cơn hoảng sợ thường xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Để hạn chế bùng phát cơn ở nơi đông người, nhiều bệnh nhân có xu hướng né tránh các tình huống xã hội và lựa chọn những công việc có thể làm tại nhà.

Người bị rối loạn hoảng sợ không thể duy trì hiệu suất lao động, học tập như trước. Quá trình học tập gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải bỏ dở việc học vì cơn hoảng loạn xảy ra thường xuyên. Công việc cũng gặp không ít trở ngại, đánh mất cơ hội thăng tiến và thậm chí là có nguy cơ thất nghiệp.

nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ
Nếu không được điều trị, rối loạn hoảng sợ sẽ làm gia tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát

Những ảnh hưởng này sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy như tài chính bấp bênh, gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện. Chất lượng cuộc sống sụt giảm trầm trọng gia tăng trầm cảm thứ phát, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng rối loạn hoảng sợ làm gia tăng ý nghĩ và hành vi tự sát. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng cần thiết.

Rối loạn hoảng sợ có thể tự thoái lui và hồi phục hoàn toàn sau khoảng vài năm đến vài chục năm. Nếu được điều trị tích cực, đa phần đều có tiến triển tốt. Những trường hợp có tiên lượng xấu thường có những yếu tố như đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống, cơn hoảng sợ có tính chất vô cùng mạnh mẽ và trầm cảm thứ phát.

Ngoài ra, người thuộc tầng lớp thấp cũng là đối tượng có tiên lượng xấu do không đủ chi phí điều trị, phải lo lắng nhiều về tài chính, sức khỏe… Người sống đơn độc, nhân cách lo âu – sợ hãi cũng có tiên lượng kém hơn so với những người được gia đình hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần.

Trong trường hợp điều trị kịp thời và đúng cách, 34% bệnh nhân khỏi bệnh sau 5 năm điều trị, 46% có cải thiện đáng kể và chỉ có một ít triệu chứng. 20% bệnh nhân có tiến triển xấu, triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc thuyên giảm không đáng kể.

Chẩn đoán rối loạn hoảng sợ

Đa phần các trường hợp bị rối loạn hoảng sợ đều được thăm khám sớm ngay từ cơn hoảng sợ kịch phát đầu tiên. Bệnh nhân thường được đưa đến khoa cấp cứu và được thực hiện nhiều xét nghiệm (xét nghiệm máu, X-Quang, CT, MRI sọ não, đo điện não, điện tim) nhưng kết quả hoàn toàn bình thường.

Sau khi đã loại trừ các khả năng có thể xảy ra, rối loạn hoảng sợ mới được cân nhắc. Hiện nay, các bác sĩ khoa Tâm thần thường sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định.

chẩn đoán rối loạn hoảng sợ
Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng để đưa ra chẩn đoán xác định và loại trừ các khả năng có thể xảy ra

Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng khác có thể được thực hiện để loại trừ cơn hoảng sợ kịch phát là ảnh hưởng của bệnh thực tổn (cường giáp) hoặc do nghiện chất (ma túy, một số loại thuốc). Đồng thời cần loại trừ rối loạn hoảng sợ là triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu xã hội.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ có hoặc không đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống. Điều này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tiên lượng và lên kế hoạch điều trị cụ thể.

Các phương pháp điều trị rối loạn hoảng sợ

Giống như các rối loạn lo âu khác, rối loạn hoảng sợ được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý và hóa dược. Rối loạn này cần được điều trị, theo dõi lâu dài để hạn chế tối đa các cơn hoảng sợ kịch phát và phòng ngừa trầm cảm. Ngoài điều trị y tế, sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng cũng góp phần thay đổi tiến triển bệnh.

Liệu pháp hóa dược

Sử dụng thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ. Trường hợp đi kèm với trầm cảm thứ phát sẽ phải điều trị lâu dài bằng liệu pháp hóa dược để ngăn ngừa tái phát.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng sợ bao gồm:

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

TCA được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn hoảng sợ và thông dụng nhất là Imipramin, Amitriptylin, Doxepin… Mặc dù có tác dụng cải thiện tâm trạng nhưng đối với rối loạn hoảng sợ, nhóm thuốc này chủ yếu được dùng với mục đích ngăn các cơn hoảng sợ kịch phát. Thuốc được dùng với liều thấp, sau đó tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả điều trị.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI):

Trong thời gian gần đây, SSRI đã bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn thuốc trầm cảm 3 vòng bởi độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Hiện tại, nhóm thuốc này là lựa chọn ưu tiên đối với rối loạn hoảng sợ.

chứng rối loạn hoảng sợ
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) là loại thuốc thông dụng nhất trong điều trị rối loạn hoảng sợ

Tùy vào mức độ đáp ứng, SSRI có thể dùng đơn độc hoặc có thể phối hợp với benzodiazepine. Sau khi cắt được cơn hoảng sợ, SSRI được dùng lâu dài trong ít nhất 36 tháng để phòng ngừa tái phát.

Thuốc ức chế serotonin-noradrenalin (SNRI):

SNRI không chỉ ức chế serotonin mà còn ức chế cả noradrenalin. Nhóm thuốc này thường được sử dụng khi SSRI cho kết quả kém. Thường dùng nhất là Venlafaxine với liều 50-75mg/ ngày.

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin:

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin thường được dùng phối hợp với thuốc chống trầm cảm trong một số trường hợp. So với đơn trị liệu, kết hợp hai nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc cắt cơn hoảng sợ.

Mặc dù cho hiệu quả nhanh nhưng benzodiazepin vẫn phải sử dụng trong khoảng 18 tháng mới có thể cắt hoàn toàn các cơn hoảng sợ. Thuốc có khả năng gây nghiện nên trước khi dừng hẳn, phải giảm liều lượng từ từ.

Các loại thuốc chống trầm cảm đều có chung đặc điểm là hiệu quả chậm sau 6 – 12 tuần sử dụng. Vì vậy, đa phần đều phải phối hợp với thuốc an thần benzodiazepin. Thời gian dùng thuốc tối thiểu 6 tháng đối với giai đoạn tấn công và ít nhất 30 tháng trong giai đoạn điều trị duy trì, chống tái phát.

Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu hiện được áp dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách… Khi bệnh nhân ổn định tinh thần sau các hoảng sợ, liệu pháp này sẽ được cân nhắc.

Liệu pháp tâm lý được thực hiện qua hình thức giao tiếp giữa người bệnh và chuyên gia. Chuyên gia sẽ từng bước xây dựng mối quan hệ tin cậy để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các cơn hoảng sợ. Sau khi đánh giá tâm lý, độ tuổi, văn hóa, tôn giáo… của bệnh nhân, chuyên gia sẽ lên lộ trình trị liệu phù hợp.

Tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về các cơn hoảng loạn và chủ động đối phó khi cơn bùng phát. Hiệu quả của liệu pháp này vô cùng triển vọng nhưng mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, kết quả trị liệu phụ thuộc khá nhiều vào chuyên môn, năng lực của chuyên gia thực hiện.

Có khá nhiều liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn hoảng sợ bao gồm:

Liệu pháp động thái tâm lý

Liệu pháp động thái tâm lý thường được áp dụng để cải thiện tình trạng cẩn trọng quá mức sau các cơn hoảng sợ. Sau khi cơn đi qua, bệnh nhân xu hướng nhạy cảm với những biểu hiện như choáng váng, thở nông, tim đập nhanh.

Liệu pháp này được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong khoảng vài tháng để điều chỉnh tâm lý, giảm sự đề phòng và cẩn trọng quá mức. Ngoài ra, kết hợp hai phương pháp này cũng giúp giảm tỷ lệ tái phát đáng kể. Các cảm xúc tiêu cực liên quan đến rối loạn hoảng sợ như trầm cảm, lo âu, sợ hãi… cũng có những cải thiện rõ rệt.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp tâm lý trị liệu phổ biến nhất hiện nay. CBT được áp dụng trong hầu hết các trường hợp từ trầm cảm cho đến các rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách. Liệu pháp này xác định suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc, hành vi và ngược lại. Qua đó đề xuất người bệnh thay đổi một trong ba yếu tố trên để cải thiện chất lượng cuộc sống.

chứng rối loạn hoảng sợ
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) mang đến hiệu quả vô cùng ấn tượng trong điều trị rối loạn hoảng sợ

Liệu pháp nhận thức hành vi còn trang bị những kỹ năng cần thiết để kiểm soát căng thẳng, đối phó với các triệu chứng thể chất và cảm giác sợ hãi mạnh mẽ trong cơn. Hiện nay, CBT được xem là giải pháp vàng cho người bị rối loạn hoảng sợ.

Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, có khoảng 90% hết các cơn hoảng sợ sau 1 năm điều trị bằng liệu pháp này. Kết quả này vô cùng khả quan nên CBT dường như được áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên, do thời gian trị liệu lâu nên người bệnh cần phải kiên nhẫn, đồng thời gia đình cũng cần động viên, hỗ trợ để đạt được kết quả tốt nhất.

Các biện pháp chăm sóc cho người bị rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ có liên quan đến bất thường trong cách thức hoạt động của não bộ và thay đổi nồng độ chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, dường như không có cách nào để phòng ngừa tái phát các cơn hoảng sợ.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần có các biện pháp chăm sóc hợp lý nhằm giảm cường độ và tần suất của các cơn. Lối sống khoa học cũng sẽ góp phần cải thiện tinh thần, giải tỏa căng thẳng và nâng cao thể trạng. Những điều này đều giúp ích rất nhiều trong kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh.

Các biện pháp chăm sóc cho người bị rối loạn hoảng sợ bao gồm:

  • Kiêng hoàn toàn rượu bia, chất kích thích và tránh hút thuốc lá. Đồng thời nên hạn chế đồ uống chứa caffeine như trà đặc, cà phê…
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng. Tránh dung nạp quá nhiều thức ăn nhanh, món ăn chứa nhiều gia vị và tinh bột.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên để làm dịu tâm trạng và giải tỏa căng thẳng. Các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, tập yoga, aerobic, đạp xe… đã được chứng minh mang đến nhiều lợi ích đối với rối loạn lo âu nói chung và rối loạn hoảng sợ nói riêng.
  • Ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, tránh lao động nặng nhọc và làm việc quá sức…
  • Cởi mở chia sẻ tình trạng sức khỏe cho những người xung quanh để được hỗ trợ khi cần thiết.

Rối loạn hoảng sợ là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến. Các cơn hoảng sợ kịch phát do bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy nếu nghi ngờ mắc bệnh, nên đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm có nguy hiểm không
Trầm cảm có nguy hiểm không? Chuyên gia giải đáp

Trầm cảm có nguy hiểm không chắc hẳn là câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người đang mắc phải căn bệnh rối loạn...

Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ trầm cảm cao và đặc biệt phụ...

Trầm cảm nội sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Trầm cảm nội sinh là một dạng phổ biến của trầm cảm với những biểu hiện đặc trưng là sự buồn bã, chán nản, tuyệt...

hội chứng khó viết
Hội chứng khó viết (Dysgraphia): Chẩn đoán và can thiệp kip thời

Hội chứng khó viết là một chứng rối loạn học tập liên quan đến khả năng viết chữ. Hội chứng này gây ra sự khó...

Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển Con người & 2 năm thành lập Trung tâm Tâm lý Giáo dục Chuyên biệt NHC Việt Nam

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp