Rối Loạn Nhân Cách Phụ Thuộc (DPD) là gì? Điều trị như thế nào?

Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường phát triển ở người có tiền sử rối loạn lo âu chia ly. Dạng nhân cách này đặc trưng bởi sự lệ thuộc quá mức vào người khác, sẵn sàng phục tùng để bám víu mối quan hệ, thiếu tự tin và có xu hướng đánh giá thấp bản thân. Nhân cách lệ thuộc có tiên lượng khá tốt nếu được thăm khám và điều trị kịp thời.

rối loạn nhân cách phụ thuộc
Rối loạn nhân cách phụ thuộc được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C với đặc điểm nổi bật là lệ thuộc quá mức và thiếu tự tin…

Rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?

Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder – DPD) được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C. Người thuộc nhóm này nổi bật với tính cách lo âu, phụ thuộc, nhạy cảm và bạc nhược. Ngoài nhân cách lệ thuộc, nhóm C còn bao gồm rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách né tránh.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc đặc trưng bởi sự lệ thuộc quá mức vào người khác. Những người có dạng nhân cách này thường có tính cách bạc nhược, tin rằng bản thân không thể chủ động trong cuộc sống và không thể tự đưa ra bất cứ quyết định nào.

Với niềm tin sai lầm này, người có nhân cách lệ thuộc luôn tìm một ai đó để phụ thuộc vào. Có thể là người thân trong gia đình hoặc người yêu/ bạn đời. Sự lệ thuộc quá mức kéo theo nỗi sợ, cảm giác lo lắng khi nghĩ đến việc bản thân phải xoay sở mọi thứ một mình. Cảm giác này thôi thúc họ níu kéo mối quan hệ, thậm chí phục tùng đối phương vì sợ bị bỏ rơi.

Giống như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách phụ thuộc có hình thái khá đa dạng và biểu hiện có thể khác biệt ở mỗi trường hợp. Dù vậy, đặc điểm nổi bật có thể nhận thấy rõ nhất là tính cách bạc nhược, nghi ngờ bản thân, phục tùng và tìm mọi cách để duy trì mối quan hệ.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường sẽ khó phát hiện hơn do biểu hiện không đặc trưng như các dạng nhân cách khác. Thống kê cho thấy, rối loạn này chiếm khoảng 2.5% trong tổng số các ca rối loạn nhân cách. Nguy cơ không có sự chênh lệch ở nam – nữ và thường phát triển ở những gia đình có tiền sử trầm cảm nội sinh.

Nhận biết rối loạn nhân cách phụ thuộc

Rối loạn nhân cách phụ thuộc khó phát hiện hơn so với những rối loạn nhân cách khác. Thoạt nhìn, nhiều người dễ nhầm lẫn rối loạn này với tính cách yếu đuối, được bảo bọc quá mức. Tuy nhiên nếu tiếp xúc lâu dài, những người xung quanh sẽ nhận ra sự bạc nhược một cách thái quá và bản thân người bệnh gần như không thể đưa ra bất cứ quyết định nào nếu không có sự can thiệp của người khác.

rối loạn nhân cách phụ thuộc
Người có nhân cách lệ thuộc luôn cần người bên cạnh vì tin rằng bản thân không thể xoay xở mọi thứ một mình

Để có thể đánh giá một cách toàn diện, người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Luôn có suy nghĩ bản thân không thể tự mình làm bất cứ việc gì, bao gồm cả việc chăm sóc bản thân.
  • Cảm thấy lo lắng, bất an khi nghĩ đến viễn cảnh bản thân phải tự mình xoay xở mọi thứ.
  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng này khiến người bệnh phục tùng mọi yêu cầu vô lý để níu giữ mối quan hệ. Thậm chí họ có thể thực hiện các hành vi mà bản thân không cảm thấy thoải mái chỉ vì sợ đối phương bỏ rơi.
  • Không thể đưa ra các quyết định, dù là các quyết định đơn giản nhất. Những người có nhân cách lệ thuộc luôn đòi hỏi sự tư vấn, bảo đảm từ người khác mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
  • Có xu hướng bắt một ai đó chịu trách nhiệm về cuộc đời của họ. Người này có thể là người thân (bố mẹ, anh chị em ruột) hoặc bạn đời/ người yêu.
  • Những người có nhân cách lệ thuộc thường tự đánh giá thấp bản thân. Tin rằng mình không có năng lực và không đủ sức để có thể sống độc lập, không phụ thuộc vào người khác.
  • Không bao giờ bày tỏ ý kiến trái ngược với người khác vì sợ rằng sẽ có mâu thuẫn và đối phương vì thế sẽ bỏ rơi bản thân. Luôn tỏ ra đồng ý, chấp thuận và ủng hộ với mọi ý kiến mà đối phương chia sẻ.
  • Ngay cả khi biết rằng quan điểm đó là sai, họ vẫn không phản bác. Bởi việc đúng – sai không quan trọng bằng việc họ có nguy cơ không nhận được sự giúp đỡ nếu có mâu thuẫn, tranh cãi xảy ra.
  • Những người có nhân cách lệ thuộc dường như không thể làm việc một mình. Ngay cả khi được giao nhiệm vụ nằm trong khả năng, họ vẫn tỏ ra vô cùng chật vật khi hoàn thành chúng.
  • Thường không bộc lộ hết khả năng vì sợ rằng nếu bản thân quá xuất sắc, họ sẽ không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào nữa.
  • Cảm giác khó chịu, bức bối xen kẽ với sợ hãi xuất hiện khi họ phải sống hoặc làm việc một mình.
  • Khi níu kéo bất thành và mối quan hệ chấm dứt, họ sẽ nhanh chóng tìm kiếm một đối tượng khác để thay thế. Họ không lựa chọn đối tượng theo bất cứ tiêu chí nào mà chỉ cần có người ở bên cạnh và chăm sóc bản thân.

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách phụ thuộc (PPD)

Hiểu biết về rối loạn nhân cách phụ thuộc vẫn còn khá hạn chế. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân nào gây ra rối loạn này. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy vai trò của một vài yếu tố trong cơ chế bệnh sinh.

Các yếu tố có thể gây ra rối loạn nhân cách phụ thuộc bao gồm:

1. Trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu

Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường phát triển sau những sang chấn lớn như bị bỏ rơi, bố mẹ ly hôn, mất bố mẹ một cách đột ngột (do tai nạn, hỏa hoạn…). Những sự kiện này tác động đáng kể đến tâm lý và vô thức tạo nên sự nhạy cảm quá mức về chia ly.

rối loạn nhân cách phụ thuộc
Người từng bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ sớm sẽ có nguy cơ cao phát triển rối loạn nhân cách phụ thuộc

Người trải qua những sự kiện đau buồn kể trên có xu hướng dựa dẫm và luôn khao khát được ai đó chăm sóc. Cảm giác phải sống một mình có thể gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng, bất an. Cảm giác này chi phối khiến họ tìm đủ mọi cách để níu giữ, bám víu đối phương trong mối quan hệ với bản thân.

2. Môi trường sống

Trẻ sống trong gia đình không lành mạnh như người cha thường tỏ ra uy quyền, mẹ quá phục tùng và yếu đuối sẽ có nhiều khả năng sẽ phát triển nhân cách lệ thuộc

Ngoài ra, những đứa trẻ được gia đình bảo bọc quá mức cũng sẽ có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân. Tin rằng mình không đủ sức để tự xoay xở mọi thứ một mình và luôn tìm kiếm người nào đó có thể ở bên cạnh để dựa dẫm.

3. Yếu tố di truyền

Di truyền đã được xác định là một trong những yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh. Nếu gia đình có người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc hoặc trầm cảm, nguy cơ phát triển rối loạn này sẽ cao hơn so với bình thường.

Dù xác định được vai trò của di truyền nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Nhưng nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết, một hoặc vài loại gen quy định cấu trúc não bộ gặp phải vấn đề khiến cho một số vùng não bộ không thể hoạt động ổn định. Kết quả là dẫn đến hình thành những đặc điểm tính cách như bạc nhược quá mức, thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân…

4. Tiền sử rối loạn lo âu chia ly

Rối loạn lo âu chia ly là một dạng rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện đặc trưng là nỗi sợ dai dẳng và nhạy cảm quá mức với sự chia ly. Rối loạn này thường có xu hướng tự thuyên giảm sau khi trưởng thành nên rất hiếm khi gặp ở người lớn.

rối loạn nhân cách phụ thuộc
Trẻ bị rối loạn lo âu chia ly khi trưởng thành có nguy cơ cao phát triển dạng nhân cách phụ thuộc

Tuy nhiên, những người có tiền sử bị rối loạn lo âu chia ly sẽ có nguy cơ cao phát triển nhân cách lệ thuộc. Những người này thường nhạy cảm quá mức với việc bị bỏ rơi, sợ chia ly… Vì vậy, họ có thể phát triển những tính cách như phụ thuộc quá mức vào người khác, tìm mọi cách để duy trì mối quan hệ (kể cả phục tùng và đáp ứng mọi yêu cầu vô lý của đối phương).

5. Yếu tố văn hóa

Yếu tố văn hóa cũng góp phần trong quá trình hình thành nhân cách lệ thuộc. Mặc dù tỷ lệ nam – nữ phát triển dạng nhân cách này là ngang nhau nhưng ở một vài quốc gia, tỷ lệ cao hơn đáng kể ở nữ giới.

Trong văn hóa của nhiều nước, phụ nữ chỉ có vai trò thứ yếu. Nhiệm vụ của nữ giới là sinh con, chăm sóc con cái và đảm nhiệm công việc nhà. Trong khi đó, nam giới được mặc định sẽ có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ cũng sẽ có nhiều quyền lợi hơn nữ giới, có thể thoải mái học tập, tìm kiếm công việc mà không bị gò bó bởi nhiều định kiến hà khắc.

Tư tưởng này khiến cho một số nữ giới phát triển tính cách lệ thuộc, bạc nhược quá mức. Họ có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân và tin rằng mình cần có người chăm sóc, bảo bọc (thường là bạn đời).

Rối loạn nhân cách phụ thuộc gây ra ảnh hưởng như thế nào? Tiên lượng và tiến triển

Tất cả các rối loạn nhân cách đều gây ra những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tính cách cụ thể của từng người, môi trường sống và sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc có tiến triển khá đa dạng, một vài trường hợp có chuyển biến tốt khi cuộc sống thuận lợi và may mắn có được những mối quan hệ lành mạnh.

Tuy nhiên, tính cách bạc nhược có thể khiến bệnh nhân thường xuyên bị bỏ rơi. Bởi phần lớn những người xung quanh sẽ nhận ra sự bất thường sau một thời gian tiếp xúc. Họ sẽ tìm cách né tránh hoặc thẳng thừng chấm dứt mối quan hệ vì muốn liên hệ với người có tính cách phụ thuộc, yếu đuối quá mức.

Test rối loạn nhân cách phụ thuộc
Người có tính cách bạc nhược, phụ thuộc quá mức sẽ khó duy trì các mối quan hệ lâu dài

Người rối loạn nhân cách phụ thuộc có nguy cơ cao phát triển chứng trầm cảm, đặc biệt là sau khi mối quan hệ chấm dứt. Số khác có thể tìm đến bia rượu, ăn uống vô độ để giải tỏa cảm giác sợ hãi và lo lắng. Mặt khác, người có nhân cách lệ thuộc có thể bị lợi dụng tình cảm, tiền bạc. Bởi họ sẵn sàng phục tùng mọi yêu cầu vô lý của đối phương chỉ để níu kéo mối quan hệ.

Tính cách né tránh mâu thuẫn, không bao giờ thể hiện quan điểm trái ngược với người khác, khó khăn khi làm việc độc lập… cũng khiến những người có nhân cách lệ thuộc khó phát triển bản thân. Công việc dường như không có cơ hội thăng tiến. Thậm chí có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì mọi nhiệm vụ đều cần có người khác hỗ trợ mới có thể hoàn thành.

Chẩn đoán, test rối loạn nhân cách phụ thuộc

Nếu được điều trị, rối loạn nhân cách phụ thuộc có tiên lượng khá tốt. Tính cách lệ thuộc, bạc nhược giảm đi đáng kể, gia tăng sự tự tin và lòng tự trọng. Một số người còn có thể chủ động chăm sóc bản thân và hoàn thành mọi thứ một mình vô cùng thuận lợi.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc là rối loạn tâm lý, tâm thần nên không thể chẩn đoán thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ trao đổi về các triệu chứng gặp phải và yêu cầu thực hiện bài test để đánh giá tâm lý. Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5 để đưa ra kết quả cuối cùng.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc chỉ được chẩn đoán khi xuất hiện vào đầu thời kỳ trưởng thành, đồng thời có hành vi phục tùng, đeo bám người khác một cách rõ rệt ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, còn phải đáp ứng ít nhất 5 trên tổng số 8 biểu hiện sau:

rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì
Rối loạn nhân cách phụ thuộc chỉ được chẩn đoán khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí trong DSM-5

(1) Chỉ có thể đưa ra quyết định (ngay cả những sự việc không quan trọng) khi có sự góp ý, đảm bảo của người khác.

(2) Luôn tìm kiếm người có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân.

(3) Không bày tỏ ý kiến trái ngược vì sợ sẽ xảy ra mâu thuẫn, từ đó mất đi sự hỗ trợ của người đó.

(4) Không bao giờ thực hiện các nhiệm vụ một mình (trừ trường hợp ép buộc). Bởi người có nhân cách lệ thuộc luôn cho rằng, bản thân không có đủ năng lực để hoàn thành. Điều này không giống với tính cách lười biếng, thiếu trách nhiệm.

(5) Sẵn sàng làm bất cứ điều gì kể cả những việc khiến bản thân không thoải mái chỉ để duy trì mối quan hệ.

(6) Cảm giác bất lực, không thoải mái khi sống một mình vì tin rằng bản thân sẽ không thể xoay xở khi có vấn đề xảy ra.

(7) Nhanh chóng tìm kiếm đối tượng mới ngay khi mối quan hệ cũ vừa chấm dứt.

(8) Lo lắng một cách thái quá, thậm chí vô lý về việc bản thân sẽ phải làm mọi thứ một mình.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng cần được chẩn đoán phân biệt với nhân cách ranh giới. Cả hai dạng nhân cách này đều có cùng đặc điểm là nhạy cảm quá mức với sự chia ly. Tuy nhiên, người có nhân cách lệ thuộc không có lối tư duy trắng đen, không có rối loạn nhân thân hay các hành vi xung động, tự hủy như nhân cách ranh giới.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những đặc điểm tính cách khác thường khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm, dẫn đến một loạt các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm… Đây là lý do chủ yếu khiến bệnh nhân đến phòng khám và rất ít trường hợp tìm gặp bác sĩ vì ý thức được tính cách của bản thân là khác thường.

Hướng điều trị cho người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc

Rối loạn nhân cách phụ thuộc có tiên lượng tốt nếu được thăm khám và điều trị. Lựa chọn ưu tiên trong trường hợp này là tâm lý trị liệu theo hướng phân tâm. Bên cạnh đó, thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp có biểu hiện trầm cảm, lo âu.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc bao gồm:

1. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu là giải pháp tối ưu cho các trường hợp rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách phụ thuộc nói riêng. So với các dạng nhân cách khác, người có nhân cách lệ thuộc đáp ứng tốt hơn với trị liệu.

Vì tính cách tự ti nên họ tỏ ra đồng thuận với tất cả những điều mà chuyên gia chia sẻ. Họ không có phản ứng quá khích hay tỏ ra nghi ngờ, đề phòng với tâm lý gia. Đây được xem là yếu tố thuận lợi giúp cho quá trình trị liệu được thực hiện đều đặn, mang lại kết quả cao.

bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc
Tâm lý trị liệu là phương pháp có hiệu quả nhất đối với rối loạn nhân cách phụ thuộc

Có khá nhiều liệu pháp được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc như liệu pháp tâm lý nhóm/ gia đình, kỹ thuật tự khẳng định bản thân, liệu pháp hành vi… Mục đích sau cùng của liệu pháp này là giúp thay đổi hành vi phục tùng, phụ thuộc quá mức vào người khác. Nâng cao lòng tự trọng, tự tin hơn về năng lực của bản thân. Giảm đi sự nhạy cảm đối với việc chia ly và kiểm soát cảm giác sợ hãi, lo lắng khi phải xoay xở mọi thứ một mình.

Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, người có nhân cách lệ thuộc thường gặp một số lỗi tư duy. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ giúp họ sửa các lỗi tư duy này và hình thành nhận thức đúng đắn hơn.

2. Liệu pháp hóa dược

Người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc rất dễ phát triển chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Trường hợp có biểu hiện lo âu, trầm buồn sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc sau:

bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc
Thuốc sẽ được sử dụng trong trường hợp có biểu hiện trầm buồn, u uất, lo âu…
  • Thuốc an thần benzodiazepine
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc

3. Một số lưu ý khi điều trị

Hiện tại, chưa có phương pháp nào tối ưu cho rối loạn nhân cách phụ thuộc. Vì vậy, một số trường hợp có thể không đáp ứng tốt, tình trạng gần như không cải thiện khi trị liệu. Để đạt hiệu quả cao, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không sử dụng rượu bia, chất gây nghiện.
  • Duy trì lối sống khoa học, hạn chế stress – căng thẳng, tránh thức khuya…
  • Phát huy thế mạnh của bản thân để nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng.
  • Viết nhật ký để ghi lại cảm xúc và những thay đổi của bản thân trong quá trình điều trị.
  • Những người xung quanh không nên tỏ ra quá quan tâm người bệnh. Thái độ chăm sóc quá mức sẽ khiến bệnh nhân khó thay đổi tính cách lệ thuộc, bám víu vào người khác.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc đặc trưng bởi hành vi thụ động, phục tùng người khác quá mức với mục đích bám víu và duy trì mối quan hệ. Dạng nhân cách này sẽ gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống, kéo theo nguy cơ phát triển chứng trầm cảm, lo âu… Nếu nhận thấy ai đó xung quanh bạn có biểu hiện của nhân cách lệ thuộc, nên chú ý hơn để giúp họ tìm gặp bác sĩ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu hiệu quả

Trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu, bạn cần tìm hiểu rõ về rối loạn này đồng thời trao đổi và phối hợp...

trầm cảm không điển hình
Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

Trầm cảm không điển hình có những biểu hiện khác biệt so với trầm cảm bình thường. Người bệnh có thể cải thiện tâm trạng...

Rối loạn cảm xúc ở người già
Rối loạn cảm xúc ở người già là gì? Phát hiện và điều trị kịp thời

Ở người già, khi độ tuổi đã “xế chiều” sức khỏe cơ thể có nhiều biến chuyển xấu đi. Bên cạnh đó, giai đoạn càng...

hội chứng sợ đám đông
Hội chứng sợ đám đông: Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ?

Việc bạn không thích đám đông, không thích đứng trước mặt nhiều người, và không muốn đến những chỗ đông người là chuyện hết sức...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh