Các thuốc điều trị rối loạn lo âu phổ biến: Lưu ý khi sử dụng

Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu được sử dụng nhằm kiểm soát trạng thái sợ hãi, hoảng loạn, căng thẳng và điều hòa tâm trạng. Bên cạnh lợi ích mang lại, điều trị bằng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần phải lưu ý một số vấn đề trước khi sử dụng.

rối loạn lo âu nên dùng thuốc gì
Sử dụng thuốc giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng của rối loạn lo âu

Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu phổ biến nhất hiện nay

Bên cạnh trầm cảm, rối loạn lo âu cũng là rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc bệnh cao hiện nay. Rối loạn này đặc trưng bởi nỗi sợ hãi mạnh mẽ, lo âu dai dẳng, vô lý, thậm chí hoang đường về những tình huống, đối tượng không tiềm ẩn mối đe dọa.

Rối loạn lo âu được chia thành nhiều dạng khác nhau dựa vào biểu hiện lâm sàng. Trong đó phổ biến nhất là rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn hoảng sợ. Dù hình thái có khác biệt song tất cả các dạng rối loạn lo âu đều gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, dùng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị. Loại thuốc được chỉ định phụ thuộc hoàn toàn vào biểu hiện lâm sàng, độ tuổi, mức độ đáp ứng và cơ địa của người bệnh.

Sau đây là các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến hiện nay:

Các loại thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị nhiều dạng rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cảm xúc theo mùa và rối loạn lo âu. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là cải thiện tâm trạng, giảm cảm xúc buồn bã, chán chường, đau khổ…

Đặc điểm của thuốc chống trầm cảm là hiệu quả chậm sau 8 – 12 tuần sử dụng nên thời gian đầu thường được dùng với thuốc an thần, giải lo âu. Hiện nay, nhóm thuốc này được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng chỉ có khoảng 2 – 3 loại được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

SSRIs là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm của nhóm thuốc này là độ an toàn cao, ít tác dụng phụ, không lệ thuộc và có thể sử dụng lâu dài.

Thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) được sử dụng phổ biến nhờ có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ

Như tên gọi, SSRIs hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc nhằm làm tăng nồng độ serotonin trong não bộ. Khi nồng độ chất dẫn truyền thần kinh này tăng lên, tâm trạng buồn bã, đau khổ sẽ được cải thiện rõ rệt.

Các loại thuốc SSRIs được sử dụng phổ biến bao gồm Escitalopram, Paroxetin, Fluoxetine… Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là gia tăng ý nghĩ, hành vi tự sát ở thanh thiếu niên, buồn nôn, đau đầu, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương ở nam giới.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs)

SNRIs được sử dụng phổ biến không kém SSRIs. Cơ chế của thuốc là ức chế tái hấp thu cả serotonin và norepinephrine. Nhóm thuốc này cũng có tác dụng là điều hòa tâm trạng, giảm cảm giác đau khổ, buồn bã, chán chường…

Hiệu quả của SNRIs tương đương với SSRIs nên có chỉ định tương tự nhau. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, dễ bị lo âu, kích thích và có nguy cơ phụ thuộc nếu sử dụng liều cao.

SNRIs không gây ra cản trở trong đời sống tình dục. Vì vậy, những người bị rối loạn cương dương, giảm ham muốn khi dùng SSRIs sẽ được thay thế bằng nhóm thuốc này. Các SNRIs được sử dụng phổ biến bao gồm Venlafaxine, Levomilnacipran, Duloxetine, Desvenlafaxine…

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Khi SNRIs và SSRIs không mang lại hiệu quả, thuốc chống trầm cảm 3 vòng sẽ được cân nhắc thực hiện. Nhóm thuốc này ức chế tái hấp thu ở cả hệ thống serotonin, norepinephrine và các hệ thống dẫn truyền thần kinh khác như histamin, dopamine, muscarinic, acetylcholin… Thường dùng nhất là Amitriptyline và Clomipramine.

Thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được chỉ định khi SNRIs và SSRIs không mang lại hiệu quả

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng mang lại hiệu quả rõ rệt và nhanh hơn so với hai nhóm thuốc trên. Tuy nhiên, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc cũng tăng lên đáng kể. Đây là lý do nhóm thuốc này không được dùng phổ biến như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp serotonin và norepinephrine (SNRIs).

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng là táo bón, khô miệng, tiểu khó, chóng mặt, buồn nôn do hạ huyết áp thế đứng. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị nhiễm độc cơ tim do ức chế cả 3 hệ thống acetylcholin, noradrenalin và adrenalin.

Các loại thuốc chống trầm cảm khác

Các loại thuốc chống trầm cảm như Trazodone cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu, đặc biệt là rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài các loại thuốc thuộc những nhóm trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng một số loại thuốc khác tùy vào khả năng đáp ứng của người bệnh.

Thuốc giải lo âu, an thần

Thuốc giải lo âu, an thần là nhóm thuốc chính trong điều trị rối loạn lo âu. Như tên gọi, nhóm thuốc này có tác dụng an dịu thần kinh, giảm lo âu, căng thẳng, sợ hãi. Thuốc cho hiệu quả nhanh và thường được sử dụng trong thời gian chờ thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng.

Có hai nhóm thuốc an thần, giải lo âu được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu bao gồm:

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin được sử dụng phổ biến nhất. Phạm vi chỉ định thuốc rộng bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…

các thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc an thần nhóm benzodiazepin có tác dụng gây ngủ, giảm lo âu, kích động và căng thẳng thần kinh

Nhóm thuốc này có nguy cơ lệ thuộc cao nên chỉ được dùng liều thấp trong trường hợp thật sự cần thiết. Nếu dùng lâu dài, phải giảm liều từ từ để tránh các triệu chứng do quen thuốc. Do độc tính cao nên thuốc an thần nhóm benzodiazepin không được sử dụng cho người suy gan, người bị nhược cơ, suy hô hấp…

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin có tác dụng chính là giải lo âu, giảm căng thẳng, an thần và các hành vi hung hăng, kích động. Ngoài ra, nhờ có tác dụng an thần và giãn cơ nên thuốc có thể cải thiện một số triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu gây ra như mất ngủ, khó ngủ, căng cơ, đau vai gáy…

Các loại thuốc nhóm benzodiazepin được sử dụng phổ biến bao gồm Diazepam, Triazolam, Tetrazepam, Lorazepam, Bromazepam, Alprazolam… Khi dùng nhóm thuốc này, cần kiêng rượu bia tuyệt đối và tránh sử dụng kết hợp với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương.

Thuốc an thần nhóm Non-benzodiazepine

Thuốc an thần nhóm Non-benzodiazepine không gây nghiện nên có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Đây là nhóm thuốc ngủ thế hệ mới, không có cấu trúc benzodiazepin nhưng vẫn có tác dụng lên thụ thể GABA type alpha-1. Cả hai nhóm thuốc này đều có cùng tác dụng nhưng nhóm Non-benzodiazepine ít tác dụng phụ hơn, có thể sử dụng trong thời gian dài.

Tuy nhiên, Non-benzodiazepine vẫn có khả năng lệ thuộc thuốc. Một số loại thuốc còn gây mất điều hòa, ảo giác, suy giảm trí nhớ, tăng tính dục, thèm ăn, gia tăng tính bốc đồng, cách ly xã hội và thậm chí là gia tăng ý nghĩ tự sát. Vì vậy, trên thực tế, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro để chọn được loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Sedanxio, Zopiclone, Etifoxine, Zaleplon, Eszopiclone…

Thuốc giải lo âu, an thần (bình thần) là nhóm thuốc quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu. Hầu hết bệnh nhân mắc rối loạn này đều phải sử dụng thuốc bình thân để giảm lo âu, sợ hãi, căng thẳng và kích động quá mức. Ngoài tác dụng an dịu thần kinh, nhóm thuốc này còn giúp cải thiện các vấn đề giấc ngủ, căng cơ ở bệnh nhân rối loạn lo âu.

Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần thường được sử dụng để cải thiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác ở bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Trong điều trị rối loạn lo âu, nhóm thuốc này được dùng kết hợp với thuốc chống trầm cảm nếu đơn trị liệu không mang lại hiệu quả.

các thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc chống loạn thần thường được dùng kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị rối loạn lo âu

Thuốc chống loạn thần hoạt động bằng cách ức chế dopamin D2, muscarin, histamin H1 và alpha-1. Với cơ chế trên, thuốc có hiệu quả chống co giật và giảm các triệu chứng hoang tưởng…

Trong điều trị rối loạn lo âu, thuốc chống loạn thần được sử dụng phối hợp với thuốc chống trầm cảm để gia tăng hiệu quả giúp giảm trạng thái lo âu, điều hòa cảm xúc. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Risperidone, Olanzapine, Quetiapine, Chlorpromazine, Clozapine…

Tương tự như các loại thuốc hướng thần khác, thuốc chống loạn thần gây ra khá nhiều tác dụng phụ khi sử dụng. Thường gặp nhất là buồn ngủ, thiếu tỉnh táo, hạ huyết áp, khô miệng, khô mũi, buồn nôn, nôn mửa, viêm da dị ứng, nổi phát ban, mẩn ngứa.

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin thường được sử dụng để điều trị cảm lạnh, dị ứng và chống say tàu xe. Tuy nhiên, một số loại thuốc như Hydroxyzine cũng được dùng cho bệnh nhân rối loạn lo âu.

Nhóm thuốc này có tác dụng an thần, gây ngủ và làm êm dịu thần kinh. Hydroxyzine được sử dụng để giảm tình trạng mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân rối loạn lo âu, thường được chỉ định khi bệnh nhân không thể sử dụng các loại thuốc an thần, giải lo âu.

các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc kháng histamin được sử dụng để cải thiện các vấn đề giấc ngủ ở bệnh nhân rối loạn lo âu

Nếu đã sử dụng thuốc kháng histamin, tuyệt đối không dùng kết hợp với các loại thuốc an thần khác để tránh tác dụng gây ngủ quá mức. Mặc dù an toàn hơn benzodiazepine nhưng nhóm thuốc này vẫn gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, mệt mỏi, chóng mặt, bồn chồn…

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta là một trong những loại thuốc điều trị rối loạn lo âu thông dụng. Nhóm thuốc này thường được dùng trong điều trị cao huyết áp và các vấn đề tim mạch khác. Đối với bệnh nhân rối loạn lo âu, thuốc chẹn beta có tác dụng giảm các triệu chứng thể chất như nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, hồi hộp, nhịp thở nông…

Thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh

Người bị rối loạn lo âu thường trực nỗi sợ hãi, cảm giác lo lắng, căng thẳng về các tình huống, đối tượng. Trạng thái lo âu kéo dài sẽ khiến cho thần kinh suy nhược, mất ngủ, trí nhớ giảm…

Vì vậy ngoài các nhóm thuốc chính, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh với mục đích cải thiện trí nhớ, phòng chống suy nhược, duy trì hiệu suất lao động và học tập. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu
Piracetam được sử dụng nhằm tăng cường trí nhớ và cải thiện khả năng tập trung… cho bệnh nhân rối loạn lo âu
  • Piracetam: Tác dụng cải thiện chuyển hóa tế bào thần kinh trung ương nhằm gia tăng sự tỉnh táo, tăng cường khả năng nhận thức, trí nhớ… Loại thuốc này tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh nhằm tăng nồng độ dopamin, acetylcholin trong não bộ.
  • Chiết xuất lá bạch quả (ginkgo biloba): Có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu lên não và tuần hoàn ngoại vi. Hỗ trợ cải thiện trí nhớ, gia tăng sự tập trung và giảm đáng kể các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu gây ra như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ… Một số nghiên cứu cũng cho thấy, ginkgo biloba thực sự có hiệu quả giảm lo âu ở người trưởng thành.
  • Vinpocetin: Vinpocetin có tác dụng bảo vệ thần kinh và thúc đẩy tăng vi tuần hoàn não. Sử dụng thuốc đều đặn giúp cải thiện suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ… ở bệnh nhân rối loạn lo âu.
  • Nicergoline: Nicergoline là loại thuốc bổ thần kinh được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Thuốc có tác dụng tăng vi tuần hoàn não, thúc đẩy chuyển hóa thần kinh nhằm giảm đau đầu, chóng mặt, ảo giác, điều hòa huyết áp…

Các loại thuốc này thường được sử dụng bổ sung bên cạnh các nhóm thuốc chính là thuốc an thần, thuốc chống lo âu và thuốc chống loạn thần. Ngoài tác dụng giảm triệu chứng, các loại thuốc hỗ trợ còn giúp tăng cường hệ thần kinh trung ương nhằm gia tăng sức chống đỡ với stress. Đây là nền tảng để giải tỏa lo âu, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe tinh thần và vượt qua trạng thái lo lắng quá mức.

Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu

Hiện nay, liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu. Do đó, hầu hết trường hợp đều phải sử dụng thuốc để giảm triệu chứng thể chất và tâm thần. Loại thuốc được bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của người bệnh.

Mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng thuốc điều trị rối loạn lo âu cũng tiềm ẩn không ít tác dụng phụ. Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải lưu ý những vấn đề sau:

Tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Lưu ý quan trọng nhất là phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng. Dùng theo chỉ định sẽ giúp thuốc phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế được các rủi ro, tác dụng phụ.

các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu
Cần sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Trước khi lên phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân một số vấn đề như lịch sử dùng thuốc, có mắc đồng thời với bệnh lý nào không, dị ứng thuốc, có đang sử dụng TPCN, viên uống hỗ trợ hoặc đang mang thai hay không.

Với những câu hỏi của bác sĩ, bệnh nhân cần trung thực trả lời. Bởi đây là nền tảng để lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp với thể trạng giúp hạn chế tối đa tác dụng phụ.

Phát hiện sớm tác dụng phụ

Gặp phải tác dụng phụ là điều khó tránh khỏi khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Với những tác dụng ngoại ý nhẹ, mức độ không đáng kể, việc thay đổi thuốc là không cần thiết. Tùy vào tác dụng phụ gặp phải, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp cải thiện không dùng thuốc.

đơn thuốc điều trị rối loạn lo âu
Trong thời gian điều trị bằng thuốc, cần chú ý biểu hiện bất thường để phát hiện sớm các tác dụng phụ

Trường hợp gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, giảm liều và thay đổi thuốc sẽ được cân nhắc thực hiện. Một số trường hợp nặng cần phải nhập viện điều trị triệu chứng và theo dõi để tránh những tình huống đáng tiếc.

Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu, bệnh nhân cần phải chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo với bác sĩ. Phát hiện sớm tác dụng không mong muốn sẽ giúp xử trí kịp thời, tránh trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.

Chủ động phòng ngừa tương tác thuốc

Tương tác thuốc là hiện tượng thành phần trong loại thuốc này phản ứng với loại thuốc khác và đôi khi xảy ra phản với cả đồ ăn, thức uống. Trước khi chỉ định thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về vấn đề này.

Tương tác thuốc là vấn đề cần phải lưu ý vì có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gia tăng độc tính của thuốc lên hệ thần kinh trung ương. Để phòng ngừa tình trạng này, không nên tùy tiện sử dụng đồng thời với các loại thuốc, TPCN và viên uống hỗ trợ. Ngoài ra, cần tránh sử dụng rượu bia, chất gây nghiện trong thời gian điều trị bằng thuốc hướng thần.

Kết hợp với tâm lý trị liệu

Sử dụng thuốc chỉ có thể làm giảm cảm giác lo âu, căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc tạm thời. Nếu ngưng thuốc, rối loạn lo âu có thể tái phát sau một thời gian. Vì vậy hiện nay, điều trị thường kết hợp giữa liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu.

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần dựa vào hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Quá trình trị liệu được thực hiện bởi chuyên viên tâm lý đã trải qua chương trình đào tạo bài bản.

đơn thuốc điều trị rối loạn lo âu
Nên kết hợp liệu pháp tâm lý với điều trị bằng thuốc để tối ưu hiệu quả, ngăn ngừa tái phát

Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực, có thể đối phó với các cơ hoảng sợ và những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng thông qua trị liệu tâm lý để tìm nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nỗi sợ vô lý, thậm chí hoang đường về những đối tượng/ tình huống không thật sự nguy hiểm.

Có khá nhiều phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn lo âu. Trong đó hiệu quả nhất là liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tiếp xúc, EMDR, liệu pháp phân tâm, liệu pháp tâm lý nâng đỡ…

Kết hợp tâm lý trị liệu với sử dụng thuốc giúp ngăn ngừa tái phát hiệu quả. Qua đó có thể giảm liều lượng và thời gian dùng thuốc, điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng cũng giảm đi đáng kể.

Liệu pháp hóa dược có vai trò quan trọng trong kiểm soát các rối loạn tâm thần nói chung và rối loạn lo âu nói riêng. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân đã hiểu hơn các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến. Đồng thời chú ý hơn trong quá trình sử dụng để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chữa trầm cảm bằng yoga
Chữa trầm cảm bằng yoga – Những bài tập tại nhà, dễ thực hiện

Chữa trầm cảm bằng yoga hiện đang là một trong các phương pháp được khuyến khích áp dụng để giúp người bệnh nhanh chóng cân...

Hội Chứng Sợ Xấu (Mặc cảm về ngoại hình) – Làm thế nào để vượt qua

Hội chứng sợ xấu hay mặc cảm ngoại hình không đơn thuần là cảm giác tự ti về các khiếm khuyết trên cơ thể. Người...

rối loạn hành vi giấc ngủ rem
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM là một chứng rối loạn hành vi diễn ra trong quá trình ngủ sâu. Người bệnh thường la...

Chứng sợ không gian rộng là gì? Những thông tin cần biết

Khoảng 1% dân số Hoa Kỳ mắc chứng sợ không gian rộng. Không giống với cảm giác sợ hãi thông thường, người mắc chứng bệnh...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh