Trầm cảm vì mạng xã hội – Thực trạng nguy hiểm không thể bỏ qua

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội khiến chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Dù là già trẻ lớn bé, đàn ông hay phụ nữ, tất cả đều đang kết nối với nhau và tìm kiếm những thông tin giải trí thông qua những nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, sự phổ biến của mạng xã hội cũng gây ra một thực trạng nguy hiểm không thể xem thường. Đó là trầm cảm vì mạng xã hội. 

Tình trạng trầm cảm vì mạng xã hội hiện nay

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Cách đây 10-15 năm, giới trẻ chưa tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, thông dụng cũng chỉ có Yahoo!, Facebook, Zing me, blog và những forum trên các website. Hiện nay, sự nở rộ của Tiktok, Facebook, Twitter, Snapchat, LinkedIn, Instagram, WhatsApp,… đã thay đổi hoàn toàn thói quen của mọi người, dẫn đến việc chúng ta bị phụ thuộc và đắm chìm quá nhiều vào thế giới ảo.

trầm cảm vì mạng xã hội
Nghiện sử dụng mạng xã hội làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động hàng ngày.

Theo thống kê, hiện có hơn 4 tỷ người trên thế giới sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, và có xu hướng ngày càng tăng. Điều này khiến các nhà khoa học phải đặt ra một câu hỏi rằng, liệu mạng xã hội ảnh hưởng ra sao đến con người, và mạng xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hay không. Rất nhiều những nghiên cứu đã được thực hiện nhằm sáng tỏ vấn đề này, và các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa mạng xã hội và tình trạng sức khỏe của chúng ta.

Vào cuối năm 2018, CNN đã trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện ở Đại học Pennsylvania (Mỹ) về mối liên hệ giữa mạng xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần, hay nói dễ hiểu hơn là trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy việc con người dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội khiến chúng ta trở nên tiêu cực, cô đơn và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm hơn. Việc sống quá lâu trong thế giới ảo và từ chối tương tác từ bên ngoài là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng trầm cảm vì mạng xã hội phát sinh.

Nghiên cứu của Đại học Pennsylvania được thực hiện bằng cách chia sinh viên thành hai nhóm. Một nhóm có thể tự do truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi, nhóm còn lại chỉ có thể lên mạng 30 phút mỗi ngày duy trì trong 3 tuần liên tục. Sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt về sự thay đổi tâm trạng và sức khỏe tâm thần của hai nhóm sinh viên.

Nhóm sinh viên bị hạn chế lên mạng ít cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hay có những suy nghĩ tiêu cực hơn so với nhóm sinh viên còn lại. Những dấu hiệu trầm cảm, rối loạn cảm xúc cũng ít được tìm thấy trên các sinh viên không dành nhiều thời gian cho những nền tảng này. Từ nghiên cứu của Đại học Pennsylvania chúng ta có thể nhận ra rằng, mạng xã hội thật sự gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, góp phần gây ra hiện tượng trầm cảm, và làm nghiêm trọng hơn tình trạng trầm cảm ở người.

Có một điều không phải ai cũng chú ý, đối tượng dùng mạng xã hội nhiều và thường xuyên nhất là thanh thiếu niên, cùng lúc đó tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì đang ngày một tăng cao. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là vì nhiều bạn trẻ dành ít thời gian để kết nối, và tiếp xúc với những người xung quanh hơn là kết nối trên mạng xã hội. Những bạn trẻ hoạt động năng nổ cả ở ngoài đời và trên các nền tảng mạng xã hội thì lại hiếm khi bị trầm cảm.

trầm cảm vì mạng xã hội
Tình trạng các bạn trẻ trầm cảm vì mạng xã hội đang dấy lên hồi chuông báo động về việc kiểm soát thời gian con trẻ lên mạng một cách hợp lý.

Trầm cảm vì mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hay những người dưới 35 tuổi, mà hiện nay những người trong độ tuổi trung niên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các ứng dụng mạng xã hội. Đặc biệt, những ứng dụng có tính trực quan cao như Tiktok thường mang đến những ảnh hưởng to lớn và nặng nề hơn. Những người lớn tuổi dễ tiếp thu những thông tin tiêu cực từ những clip hay thông tin trực quan, từ đó thúc đẩy vấn đề trầm cảm nghiêm trọng hơn.

Để nói về ảnh hưởng của mạng xã hội đến vấn đề tinh thần của con người, có một cụm từ mà chúng ta nên biết là FOMO. FOMO là viết tắt của “fear of missing out” hay hội chứng sợ bỏ lỡ. Đặc trưng của hội chứng này là cảm giác lo lắng, sợ hãi việc bị mất kết nối với thế giới xung quanh, và có thể bỏ lỡ những điều thú vị mà đáng lẽ họ cần được biết. FOMO thường xuất hiện ở những người lạm dụng và nghiện mạng xã hội quá đà.

Mong muốn cập nhật thông tin mới nhất từ bạn bè, từ thần tượng mà bạn hâm mộ, từ bộ phim mà bạn yêu thích, hay những đợt giảm giá hàng hóa và săn sale hàng thàng khiến bạn đặt mọi sự chú ý vào điện thoại. Bạn lướt từ mạng xã hội này sang mạng xã hội khác và chỉ chăm chú vào những thông tin mình cần biết, bỏ mặc công việc, chuyện học hành hay những mối quan hệ xung quanh.

Tình trạng này kéo dài khiến bạn ngày càng xa cách và tự cô lập bản thân với những người xung quanh. Tất cả những buồn, vui, hờn, giận, mọi cảm xúc tích cực hay tiêu cực của bạn đều chỉ thể hiện trên mạng xã hội. Đây là yếu tố khiến cho tình trạng trầm cảm vì mạng xã hội ngày càng tăng cao, vì chúng ta chỉ hấp thu và lan tỏa những năng lượng tiêu cực sau những chiếc nick ảo trên mạng, mà không giải tỏa và chia sẻ chúng bên ngoài đời thực.

Vì sao chúng ta bị trầm cảm vì mạng xã hội?

Những ưu điểm của mạng xã hội cũng không thể che lấp những tác động tiêu cực của chúng đến với con người như cung cấp những thông tin chưa được kiểm chứng, và dễ dàng thao túng tâm lý đám đông. Những nguồn năng lượng không hề mang tính tích cực này khiến chúng ta bị cuốn vào cảm giác sợ hãi, mệt mỏi, phẫn nộ, ghen tị, tự ti. Những cảm xúc này ngày càng lớn dần và khiến chúng ta rơi vào trầm cảm.

trầm cảm vì mạng xã hội
Mạng xã hội là nơi chúng ta thỏa sức hấp thu và giải tỏa những ấm ức, mệt mỏi, những nguồn năng lượng tiêu cực tích tụ trong cuộc sống.

Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội. Những nguyên nhân này rất thường gặp, và ảnh hưởng đến nhiều những người dùng các nền tảng này, đặc biệt là những người nhạy cảm. Ngoài ra tùy vào tính cách, môi trường sống, hay những trải nghiệm trong quá khứ mà mạng xã hội có thể thúc đẩy chứng trầm cảm, và làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm ở một số người theo những cách khác nhau.

1. Cảm giác ghen tị trên mạng xã hội

Những hình ảnh trên Facebook hay Instagram của các chàng trai, cô gái thông minh, nổi tiếng với khuôn mặt xinh đẹp, thân hình chuẩn, quần áo sang trọng, phối hợp cùng những chiếc túi hiệu, xe sang thể hiện sự giàu có khiến nhiều người có cảm giác ghen tị khi so sánh với bản thân. Chưa bàn đến chuyện những hình ảnh trên là thật hay là sản phẩm của Photoshop, nhưng cảm giác tiêu cực về hình mẫu lý tưởng và xinh đẹp không ngừng ám ảnh chúng ta.

Trên thực tế, chúng ta biết rằng hình ảnh trên mạng xã hội ít nhiều đều đã qua chỉnh sửa, và mọi người có xu hướng chỉ chia sẻ những gì hoàn hảo và nổi bật nhất của họ. Tuy nhiên cảm giác ghen tị, tự ti, và việc liên tục so sánh nhan sắc, hình thể, điều kiện sống của bản thân với hinh ảnh hoàn hảo trong những tấm hình chụp khiến bạn dễ rơi vào suy nghĩ tiêu cực. Cảm xúc tự ti, cùng hành động so sánh không ngừng khiến bạn cảm thấy căng thẳng, chán nản kéo dài dẫn đến trầm cảm.

Ngoài ra, những người công khai hình ảnh cá nhân của mình trên mạng cũng phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Một số người, đặc biệt là những người trẻ, cố gắng tỏ ra cuộc sống của mình thật tốt đẹp và hoàn hảo trước mặt bạn bè hay người quen. Những điều họ chia sẻ trên mạng xã hội chưa hẳn là sự thật, nhưng được điểm tô cho đẹp đẽ. Họ thích cảm giác được tung hô và khen ngợi từ những người xung quanh. Đây là một cuộc sống ảo mà họ không có ngoài đời.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là, họ luôn lo sợ một ngày nào đó sự thật sẽ bị bóc trần. Vì thế họ liên tục nói dối và đăng tải những hình ảnh tương tự để không bị nghi ngờ. Cảm giác lo lắng bị phát hiện, căng thẳng khi tìm cách nói dối, và suy nghĩ làm sao để tăng sự nổi tiếng của bản thân khiến những đối tượng này lo lắng, mất ngủ kéo dài và dẫn đến trầm cảm. Cuộc sống ảo trên mạng dần tác động tiêu cực đến cuộc sống thật ngoài đời.

2. Bạo lực và bắt nạt trên mạng xã hội

Bên cạnh đó, những người thường xuyên đăng những tấm ảnh xinh đẹp trên Facebook hay Instagram có thể trở thành nạn nhân của việc quấy rối tình dục, và phải hứng chịu những bình luận ác ý từ cư dân mạng. Những kẻ biến thái, hoặc những người ghen tị với sắc đẹp và tài năng của chủ nhân ảnh chụp thường tấn công họ bằng những lời lẽ khiếm nhã, cùng những hình ảnh kinh tởm. Tình trạng bạo lực mạng kéo dài rất dễ kích thích tình trạng trầm cảm ở người dùng mạng xã hội.

trầm cảm vì mạng xã hội
Núp sau những chiếc nick ảo, mọi người đều cho bản thân cái quyền phán xét, miệt thị, xúc phạm và bạo lực mạng người khác mà không quan tâm đến tổn thương gây ra cho người bị chỉ trích.

Có không ít người nổi tiếng vì bị bạo lực mạng trong thời gian dài khiến cho tình trạng trầm cảm của họ ngày càng tồi tệ, cuối cùng bị đẩy đến bước đường tự tử để kết thúc sự đau khổ. Bạo lực mạng là một vấn nạn nghiêm trọng chưa thể giải quyết được khi mạng xã hội ngày càng phổ biến. Những nạn nhân của việc bạo lực và quấy rối trên mạng còn có thể bị đe dọa ngoài đời thực khiến tình trạng tâm lý của họ trở nên bất ổn.

Trầm cảm vì mạng xã hội còn thể hiện ở những nạn nhân của việc bắt nạt. Những kẻ bắt nạt có thể lợi dụng mạng xã hội để đe dọa, khủng bố tinh thần và ép buộc nạn nhân làm những điều họ không mong muốn. Hành động quay phim, chụp ảnh, cắt ghép video sai sự thật về tình trạng của nạn nhân, và đe dọa tung chúng lên mạng là mánh khóe mà những tên bắt nạt dùng để điều khiển và cô lập nạn nhân với mọi người.

Những người bị bắt nạt lo sợ mình sẽ nhận được những bình luận ác ý, nhục mạ, khiếm nhã của cư dân mạng, những người không hiểu biết tận tường vấn đề mà chỉ đánh giá người khác thông qua một vài hình ảnh. Họ cũng không dám nói thật với cha mẹ và giáo viên về chuyện bản thân bị ngược đãi vì lo sợ bị trả thù. Cứ như thế, nạn nhân luôn sống trong sự lo lắng, chìm trong những suy nghĩ tiêu cực và cô lập bản thân với mọi người. Từ đó họ bị trầm cảm kéo dài.

3. Hấp thụ quá nhiều những thông tin tiêu cực

Mạng xã hội mang tính kết nối cao và cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin bổ ích về những điều đã và đang xảy ra trên thế giới. Đây cũng là nơi chúng ta gặp gỡ bạn bè, cập nhật thông tin, tìm kiếm những bộ phim hay hình ảnh, bài viết hay để giải trí sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng. Tuy nhiên mạng xã hội chỉ tốt khi chúng ta sử dụng có chừng mực, trong giới hạn cụ thể để chúng không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.

Những thông tin trên mạng xã hội truyền bá với tốc độ cực nhanh và thu hút hàng nghìn, hàng triệu lượt theo dõi. Tuy nhiên phần lớn trong số đó là những tin tức tiêu cực, những drama trong nhiều lĩnh vực thu hút sự quan tâm và thảo luận của mọi người. Hấp thụ quá nhiều những thông tin tiêu cực trong thời gian dài có thể khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, bất an, stress và nhìn nhận mọi thứ với cái nhìn tiêu cực.

trầm cảm vì mạng xã hội
Những tin tức chứa đầy năng lượng tiêu cực tựa như một chiếc xiềng xích vô hình kéo bạn chìm trong sự sợ hãi, hoang mang và lo lắng về những điều xấu xa ngoài xã hội.

Ngoài ra, những hội nhóm với ý đồ xấu chuyên lôi kéo và dụ dỗ những người cả tin, có cuộc sống không như ý, nhằm tiêm nhiễm vào đầu họ những ý tưởng xấu xa và tiêu cực vẫn hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những người bị dụ dỗ có thể bị thao túng tâm lý, cảm thấy cuộc sống này không an toan, không đáng sống nữa. Họ dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối, rơi vào trầm cảm, hoặc có những hành vi trái pháp luật.

4. Ít tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe

Việc đắm chìm vào thế giới ảo trên mạng xã hội mà quên đi những mối quan hệ bên ngoài, cũng như phớt lờ những hoạt động thể chất có thể khiến sức khỏe suy giảm, và tạo điều kiện cho trầm cảm tấn công bạn. Đặc biệt, thanh thiếu niên và người trẻ đang trong giai đoạn sung sức và sáng tạo nhất, nhưng lại không rèn luyện sức khỏe, hoặc tham gia những hoạt động có ích mà luôn đắm mình trong mạng xã hội sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho tinh thần và sức khỏe.

Một số người cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn khi nhận được nhiều lượt thích hay chia sẻ trên bài đăng cá nhân. Họ cũng thường tiêu phí hàng giờ liền trên các ứng dụng để đọc tin tức hay những câu chuyện cười. Tuy nhiên, họ lại không thể dành chút thời gian để tập thể dục, ra ngoài hít thở khí trời, hoặc tham gia các hoạt động có thể rèn luyện sự tự tin, học hỏi những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cuộc sống của bạn sẽ bị bó hẹp trong chiếc điện thoại thông minh nếu quá lạm dụng mạng xã hội.

Khả năng sáng tạo, sự lạc quan và sức khỏe tinh thần của những người sử dụng mạng xã hội quá nhiều lần trong ngày có sự giảm thiểu rõ rệt. Việc quan trọng hóa những cái like, những dòng bình luận có thể khiến bạn rơi vào trạng thái cô đơn và sợ bị bỏ rơi. Càng như vậy, bạn càng chú ý đến những tương tác trên mạng xã hội mà không để ý đến sức khỏe và thể chất của bản thân. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng bạn mắc chứng trầm cảm là rất cao.

5. Tình trạng mất ngủ do dùng mạng xã hội

Thức khuya, thiếu ngủ và mệt mỏi kéo dài có thể ức chế việc sản sinh chất truyền dẫn thần kinh senrotonin trong não, từ đó làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở người. Vấn đề thức khuya và thiếu ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, và một trong số đó là tình trạng nghiện mạng xã hội. Những người nghiện mạng xã hội thường đem theo điện thoại khắp mọi nơi dù là lúc ăn hay ngủ, và thói quen 5 phút lướt mạng một lần khiến bạn gần như không thể ngủ được.

trầm cảm vì mạng xã hội
Bạn không thể dừng việc theo dõi những điều thú vị đang diễn ra trên mạng xã hội đến mức quên mất bản thân đang cần nghỉ ngơi.

Một nghiên cứu được thực hiện với đối tượng là những thanh thiếu niên cho ra kết quả đáng lo ngại. Hơn 60% đối tượng được hỏi cho biết họ thường xuyên sử dụng điện thoại trước khi ngủ, và những điều hấp dẫn trên mạng xã hội khiến họ bị lôi cuốn đến mức quên cả thời gian. Trung bình thời gian ngủ của họ ít hơn 1 giờ đồng hồ so với những người không dùng mạng xã hội.

Ngoài ra ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, cùng hành động lướt mạng trong thời gian dài buộc não bạn hoạt động liên tục nên không gây ra cảm giác buồn ngủ hay mệt mỏi. Thông thường, những người tự nhủ chỉ dành thêm 5 phút xem video và trò chuyện trên mạng tiêu tốn hơn 50 phút trước khi có thể dừng hành động này lại. Việc thức khuya kiếm bạn cảm thấy mệt mỏi uể oải vào sáng hôm sau, và không có động lực làm việc.

Như đã nói ở trên, việc thiếu ngủ và mệt mỏi rất dễ nảy sinh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Nghiện mạng xã hội lại càng góp phần làm tình trạng này thêm trầm trọng. Đặc biệt những bạn lướt mạng trước khi ngủ còn có thói quen đặt điện thoại ở cạnh bên và gần phần đầu. Đây là thói quen không tốt cần được khắc phục để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Biểu hiện của trầm cảm vì mạng xã hội

Trầm cảm vì mạng xã hội có những biểu hiện đặc trưng, và một trong số đó là việc bạn không thể ngừng kiểm tra những tin nhắn hay bình luận trên mạng. Cứ cách 5 phút, bạn sẽ kiểm tra một lần để xem có ai thích tấm ảnh hay dòng trạng thái bạn mới đăng, có ai bình luận dưới những bài đăng bạn tâm đắc, hay những người bạn nhắn tin đã trả lời tin nhắn chưa. Bạn không thể ngừng việc lướt trên newsfeed để cập nhật những thông tin nóng hổi nhất.

Bạn cảm thấy khó chịu và bứt rứt nếu không được chạm đến điện thoại, không thể kiểm tra những thông báo mới nhất. Những vấn đề như mạng không ổn định, màn hình tải chậm, điện thoại hết pin, hoặc khi không có điện thoại bên cạnh đều khiến bạn rơi vào trạng thái cáu gắt, căng thẳng, hoảng loạn, và tìm mọi cách để có thể tiếp tục đăng nhập. Những lúc này bạn khó giữ bình tĩnh, và có thể trở nên nóng nảy, bạo lực hơn bình thường.

trầm cảm vì mạng xã hội
Bạn bị ám ảnh bởi việc kiểm tra thông báo về tin nhắn và bình luận trên mạng xã hội 5 phút một lần.

Bạn chìm vào thế giới ảo đến mức đánh mất những mối quan hệ xung quanh, cô lập mình với mọi người, không hứng thú trong việc gặp gỡ bạn bè hay giữ gìn những mối quan hệ tốt đẹp. Tình trạng này kéo dài khiến bạn ngày càng nhìn nhận mọi thứ xung quanh theo chiều hướng tiêu cực, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cảm thấy chán chường, mệt mỏi, và rất dễ bị những người xấu trên mạng làm ảnh hưởng đến cảm xúc.

Bạn thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi vào buổi sáng do thức khuya lướt mạng xã hội. Thậm chí lướt mạng trước khi ngủ đã trở thành thói quen khó bỏ, và bạn thường đi ngủ chậm hơn 1-2 tiếng so với dự định vì không thể cưỡng lại sức hút từ mạng xã hội. Chất lượng giấc ngủ của bạn rất tệ, ngủ không sâu giấc, thường thức dậy lúc nửa đêm và có thể gặp ác mộng. Bạn cũng thường ngủ ngày, không thể ngừng lướt mạng dù rất mệt.

Những hình ảnh đẹp đẽ và giàu sang của bạn bè hay những người nổi tiếng trên mạng khiến bạn cảm thấy tự ti, thất vọng về bản thân. Cảm giác này kéo dài từ ngày này sang ngày khác, khiến bạn cảm thấy dằn vặt, đau khổ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bạn cảm thấy thua kém mọi người, thấy bản thân vô dụng. Dần dần, những suy nghĩ tiêu cực này có thể dẫn bạn đến hành động tự tổn thương bản thân như rạch tay, hoặc nghiêm trọng hơn là tự tử.

Bạn cảm thấy chán ăn, không còn cảm giác ngon miệng dù với những món ăn mình từng rất thích. Hoặc bạn ăn nhiều hơn bình thường, đặc biệt là những thực phẩm chiên rán hay chứa nhiều đường để tìm kiếm cảm giác thoải mái. Tình trạng ăn uống thất thường ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa gây nôn ói, tiêu chảy. Ngoài ra việc ăn uống mất kiểm soát cũng khiến bạn tăng câu hoặc sụt cân trong thời gian ngắn.

Bạn cảm thấy không thể tập trung vào công việc và học tập khiến hiệu suất suy giảm. Bạn luôn trong trạng thái lơ đễnh, dễ mắc sai lầm, thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt, choáng váng mà không biết vì sao. Những vấn đề thể chất ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nhưng không thể ngăn bạn liên tục cập nhật thông tin từ mạng xã hội. Đặc biệt nếu là trẻ vị thành niên, bạn có thể có thái độ chống đối, xúc phạm và có hành vi không hay với cha mẹ.

Trầm cảm vì mạng xã hội có thể khiến bạn đánh mất sự bình tĩnh và có những hành vi gây tổn thương người xung quanh.

Thông qua những biểu hiện trên, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của việc lạm dụng mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần của con người là lớn đến mức nào. Nếu không biết cách cân bằng thời gian làm việc, học hành, nghỉ ngơi với thời gian lên mạng, cũng như không biết cách chọn lọc những thông tin chính xác và cần thiết, chúng ta rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực của mạng xã hội và làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

Cách để vượt qua trầm cảm vì mạng xã hội

Tình trạng trầm cảm vì mạng xã hội sẽ không được ngăn chặn nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Học cách sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý sẽ mang đến nhiều lợi ích cho đời sống và con người hơn. Việc này vừa giúp chúng ta giữ liên lạc với những người xung quanh, vừa giúp chúng ta cập nhật những thông tin mới nhất. Và đặc biệt là không ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe tâm thần.

  • Không sử dụng mạng xã hội vào ban đêm: Việc sử dụng mạng xã hội vào ban đêm, đặc biệt là trước khi đi ngủ, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Bạn gần như không thể ngừng xem những video ngắn, và luôn chăm chú đọc từng dòng bình luận trên các bài đăng có nội dung thú vị đến tận đêm khuya. Hậu quả là bạn luôn trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi vào sáng hôm sau. Thiếu ngủ do thức khuya có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, do đó bạn không nên chạm đến mạng xã hội từ 30 phút đến 1 giờ trước khi đi ngủ để đầu óc được nghỉ ngơi và ngủ ngon hơn.
  • Tắt thông báo ứng dụng: Nếu bạn vẫn giữ thói quen đọc tin ngay lập tức khi thấy thông báo, thì từ bây giờ hãy chọn cách tắt chúng đi để ngăn cản bản thân chìm đắm quá nhiều vào mạng xã hội. Một số thông báo thật sự không cần thiết, và không đáng để bạn quan tâm. Vì thế hãy tập thói quen tắt thông báo ứng dụng, và thay vì cứ mỗi 5 phút lại liếc nhìn điện thoại một lần để kiểm tra, bạn nên tìm cho mình một thú vui khác như đọc sách, nghe nhạc, đi dạo,… để bản thân bận rộn hơn, và đánh lạc hướng suy nghĩ khỏi mạng xã hội.
  • Giảm dần thời gian sử dụng điện thoại: Đột ngột ngừng sử dụng mạng xã hội có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực, vì thế cách tốt nhất để giảm thiểu tác hại của trầm cảm vì mạng xã hội là giảm dần tần suất sử dụng. Ban đầu bạn nên dừng sử dụng mạng xã hội vào buổi tối, sau đó dần dần rút ngắn thời gian sử dụng điện thoại chỉ từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Trong quá trình này, bạn nên dành nhiều thời gian cho học tập, công việc, hay những hoạt động lành mạnh để hướng sự chú ý của mình sang một đối tượng khác.
trầm cảm vì mạng xã hội
Ra ngoài hoạt động nhiều hơn, hoặc tìm cho mình một thú vui lành mạnh có thể giúp bạn thoát khỏi ảnh hưởng của mạng xã hội.
  • Cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới mạng: Trầm cảm vì mạng xã hội một phần bắt nguồn từ việc nhiều người không thể phân biệt rạch ròi giữa thế giới mạng và cuộc sống ngoài đời, khiến cho những nguồn năng lượng tiêu cực từ mạng xã hội làm ảnh hưởng đến tâm trạng. Chúng ta không nên để bản thân bị cuốn vào những cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng, và không nên mệt mỏi, tức giận hay đau khổ vì những bình luận ác ý, những lời công kích cá nhân từ những con người xa lạ. Bạn bị ám ảnh và trầm cảm bởi sự mất nhân tính của những con người núp sau chiếc nick ảo, nhưng họ thì chẳng bị ảnh hưởng gì cả, như vậy thật không đáng.
  • Dành nhiều thời gian cho gia đình: Lạm dụng mạng xã hội khiến kết nối của bạn với gia đình và bạn bè xung quanh dần mất đi. Đã bao lâu rồi bạn không ngồi nói chuyện với ông bà cha mẹ? Đã bao lâu rồi bạn không rời khỏi chiếc điện thoại để đi chơi cùng bạn bè? Và đã bao lâu rồi bạn cảm thấy thoải mái thật sự về tinh thần khi không tiếp xúc với tin tức tiêu cực? Hãy dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè, và những mối quan hệ tích cực, lành mạnh bên ngoài thay vì quá chú tâm đến mạng xã hội.
  • Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: Vấn đề ăn uống và nghỉ ngơi cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng trầm cảm vì mạng xã hội. Ăn uống đúng bữa với thực phẩm ngon, sạch, đầy đủ dinh dưỡng giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái hơn, cũng như ngăn ngừa những suy nghĩ tiêu cực phát sinh.
  • Đến gặp bác sĩ để được tư vấn: Nếu đã thử rất nhiều cách nhưng tình trạng của bạn không có những chuyển biến tốt đẹp, thì lời khuyên là hãy đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để được hỗ trợ tốt hơn. Trong một số trường hợp nghiệm mạng xã hội nặng, bạn không thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến tinh thần, do đó cách duy nhất đề giải quyết là tìm đến sự giúp đỡ y tế. Bác sĩ sẽ thăm khám và áp dụng những biện pháp như liệu pháp tâm lý, hoặc dùng thuốc chống trầm cảm để giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Những ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần của con người là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là ở tuổi dậy thì, vì các em chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ để nhận thức những điều nguy hiểm rình rập trên không gian mạng. Hiện tượng trầm cảm, có xu hướng trở nên bạo lực, có hành vi tự tử hay tham gia những thử thách chết người trên mạng xã hội ở thanh thiếu niên đang ngày càng tăng.

Do đó, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, hạn chế việc sử dụng mạng xã hội để tránh hiện tượng trầm cảm vì mạng xã hội ở lứa tuổi này tăng cao. Với người lớn thì việc hạn chế mạng xã hội cũng giúp ổn định tinh thần, ngăn chặn vấn đề giảm năng suất lao động, cải thiện sức đề kháng và mang đến cuộc sống vui vẻ, thoải mái hơn. Đừng để cuộc sống ảo trên mạng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống thật ngoài đời của chúng ta.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

rối loạn đa nhân cách
Rối Loạn Đa Nhân Cách: Tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn đa nhân cách, hay còn được gọi là rối loạn nhận dạng phân ly, đặc trưng bởi tình trạng một người sở hữu...

trầm cảm không điển hình
Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

Trầm cảm không điển hình có những biểu hiện khác biệt so với trầm cảm bình thường. Người bệnh có thể cải thiện tâm trạng...

cảm xúc tiêu cực
Cảm Xúc Tiêu Cực Là Gì? Nguyên nhân, nhận biết và cách vượt qua

Con người rất đa cảm và dễ bị tác động tâm lý bởi những yếu tố bên ngoài. Chúng ta có thể nhanh chóng trở...

chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu hiệu quả

Trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu, bạn cần tìm hiểu rõ về rối loạn này đồng thời trao đổi và phối hợp...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh