Rối Loạn Nhân Cách Nhóm A Là Gì? Những điều cần biết
Rối loạn nhân cách nhóm A nổi bật bởi sự kỳ quái, lập dị trong tư duy, hành vi, lối sống tách biệt và ít bộc lộ cảm xúc. Các rối loạn này thường gặp ở nam giới có tiền sử gia đình bị rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt… Nếu không điều trị, tiên lượng thường rất xấu, nhiều khả năng sẽ diễn tiến thành các rối loạn tâm thần thứ phát và gia tăng tỷ lệ tự sát.
Rối loạn nhân cách nhóm A là gì?
Rối loạn nhân cách nhóm A (Cluster A Personality Disorders) là một trong ba nhóm rối loạn nhân cách bên cạnh nhóm B và nhóm C. Trái ngược với nhân cách bình thường, rối loạn nhân cách bao gồm các đặc điểm khác thường, không giống với phần đông dân số và điều này gây ra những khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.
DSM (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần) phiên bản thứ 5 định nghĩa rối loạn nhân cách là một dạng bất biến của quá trình sống dẫn đến hành vi, cách cư xử lệch lạc, khác biệt với tâm lý chung. Các đặc điểm này có tính chất hằng định, theo thời gian sẽ gây ra sự đau khổ nhất định và làm suy giảm chức năng xã hội.
Rối loạn nhân cách được chia thành 10 kiểu khác nhau và được phân thành 3 nhóm. Trong đó nhóm A đặc trưng bởi suy nghĩ lập dị, kỳ quái, nghi ngờ dai dẳng và lối sống tách biệt. Ước tính có khoảng 0.5 – 3% dân số có vấn đề về rối loạn nhân cách nhóm A và tỷ lệ cao hơn ở nam giới.
Nhìn chung, những người phát triển các dạng nhân cách bất thường sẽ khó có thể duy trì được cuộc sống ổn định và thường phải sống cô độc nếu không được điều trị.
Đặc điểm của các loại rối loạn nhân cách nhóm A
Rối loạn nhân cách nhóm A được chia thành 3 loại là rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Dù có cùng đặc điểm là hành vi kỳ quái, lập dị, sống tách biệt… nhưng giữa các dạng cũng sẽ có sự khác biệt nhất định.
Các đặc điểm thường thấy ở 3 kiểu rối loạn nhân cách nhóm A:
1. Rối loạn nhân cách hoang tưởng
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder) còn được gọi là nhân cách Paranoid. Ước tính có khoảng 0.5 – 2.5% dân số phát triển dạng nhân cách này, tỷ lệ đặc biệt cao ở nam giới có tiền sử gia đình bị rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt.
Đúng như tên gọi, rối loạn nhân cách hoang tưởng đặc trưng bởi tình trạng hoang tưởng. Đa phần là hoang tưởng về sự chung thủy của bạn đời, sự trung thành của bạn bè và các cộng sự. Những người có dạng nhân cách này thường có sự nghi ngờ dai dẳng nhưng không thể giải thích một cách logic giống như rối loạn hoang tưởng.
Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng:
- Có niềm tin mãnh liệt và dai dẳng về việc những người xung quanh lừa dối, gây hại và có ý đồ xấu với bản thân.
- Dường như không tin tưởng bất kỳ ai, mặc dù không có căn cứ hay lý do xác đáng cho sự nghi ngờ này.
- Luôn trăn trở về sự trung thành của cấp dưới, cộng sự, bạn bè và sự chung thủy của bạn đời.
- Trong tất cả lời nói và hành động của người khác, người có nhân cách Paranoid luôn nhìn thấy sự đe dọa, thậm chí ẩn ý sỉ nhục và cười cợt.
- Thường xuyên cho rằng ai đó đang cố ý nhục mạ mình mặc dù thực tế không phải như vậy.
- Những người có nhân cách Paranoid thường rất thù hằn, để bụng và hiếm khi tha thứ cho người khác.
- Sống kín kẽ, tách biệt mặc dù nhìn bên ngoài vẫn giao tiếp và duy trì các mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, những người có rối loạn nhân cách hoang tưởng thường không dám chia sẻ suy nghĩ hay cảm xúc thật vì lo sợ những người xung quanh sẽ dùng điều này để chống lại mình.
- Có phản ứng tức giận, nổi nóng khi nhận thấy người khác đang có ý sỉ nhục và hạ bệ bản thân.
- Thường xuyên tìm kiếm chứng cứ để chứng minh sự nghi ngờ của bản thân là chính xác.
Sự nghi ngờ dai dẳng sẽ khiến cho người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng gặp phải nhiều trở ngại trong công việc và các mối quan hệ. Một số người vẫn có thể lập gia đình nhưng rất khó duy trì mối quan hệ lâu dài. Bởi sự nghi ngờ vô lý sẽ khiến cho bạn đời cảm thấy ngột ngạt và không tránh khỏi mâu thuẫn, thậm chí là bạo lực.
2. Rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid Personality Disorder – SPD) là một trong ba dạng rối loạn nhân cách nhóm A. Từ “phân liệt” được lấy từ thuật ngữ “tâm thần phân liệt” nhằm nhấn mạnh các đặc điiểm như cùn mòn cảm xúc, thái độ sống tách biệt, thiếu sự quan tâm đến những người xung quanh.
Rối loạn nhân cách phân liệt có tỷ lệ khá cao, ước tính khoảng 7.5% dân số chung và nguy cơ cao gấp đôi ở nam giới. Những đối tượng có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc sẽ có nguy cơ phát triển dạng nhân cách này cao hơn bình thường.
Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách phân liệt:
- Gần như không quan tâm đến bất kỳ ai, bao gồm cả các mối quan hệ thân thiết như người thân, bạn đời…
- Thích những hoạt động chỉ có một mình và từ chối toàn bộ hoặc miễn cưỡng tham gia các hoạt động đông người.
- Có cảm giác khó chịu, thậm chí là sợ tiếp xúc với người khác.
- Thường không sử dụng ánh mắt khi giao tiếp, kiệm lời, nội dung lời nói thường đơn giản, cụt ngủn, hiếm khi sử dụng thán từ hay những từ bộc lộ cảm xúc rõ rệt.
- Không có óc khôi hài và không thích đùa giỡn.
- Thái độ vô cùng lãnh đạm, thờ ơ, ngay cả khi bị khiển trách, phê bình hay được tán dương.
- Không quan tâm đến mọi thứ, bao gồm cả những vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm.
- Có niềm yêu thích với một số đồ vật, đặc biệt đam mê triết học, thiên văn và toán học.
- Tính cách ít ganh đua, thụ động, sống khép nép và kín kẽ. Do đặc điểm tính cách này nên nhiều người dù có năng lực vẫn lựa chọn các công việc thu nhập thấp vì không phải gặp gỡ, giao tiếp.
- Gần như không có tình cảm trai gái dẫn đến hiếm khi kết hôn hoặc có thể miễn cưỡng kết hôn do sự sắp xếp của gia đình.
- Không có hoặc rất ít khi có ham muốn tình dục.
- Cảm xúc cùn mòn, hiếm khi thể hiện cảm xúc với cường độ mạnh như khóc lóc, ủ dột, đau khổ hay phấn khích, vui vẻ.
Sự tách biệt của người bị rối loạn nhân cách phân liệt rõ ràng hơn rối loạn nhân cách hoang tưởng. Vì vậy, đa phần đều sẽ sống cô độc, không có chỗ dựa tinh thần. Bù lại, những người này sẽ có nguồn thu nhập khá ổn định do khả năng tập trung tốt và am hiểu tường tận về lĩnh vực mà mình yêu thích.
3. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal Personality Disorder – ScPD) có những đặc điểm khá giống với rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, dạng nhân cách này nổi trội với nét kỳ quái, lập dị trong cách ứng xử, hành vi và lời nói.
Nhiều nhà tâm lý học đồng ý với giả thuyết rối loạn nhân cách dạng phân liệt là thể nhẹ của tâm thần phân liệt. Tỷ lệ vẫn cao hơn ở nam giới giống như 2 dạng khác của rối loạn nhân cách nhóm A.
Các đặc điểm nhận biết người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt:
- Cách suy nghĩ vô cùng khác người, thậm chí là lập dị và kỳ quái.
- Rất nhiều người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt mê tín quá mức và có niềm tin mãnh liệt vào thần linh. Nhiều người còn tham gia vào các giáo phái kỳ lạ và rất tích cực trong công tác truyền đạo.
- Sống tách biệt, không có sự gắn kết với mọi người bao gồm cả người thân và bạn bè.
- Hành vi, cách cư xử có phần lập dị. Một số người còn có kiểu ăn nói khó hiểu, sử dụng ngôn từ lạ lùng, ẩn dụ và ăn mặc khác biệt (thường mặc những trang phục thùng thình, mang đậm dấu ấn tôn giáo).
- Hoang tưởng liên hệ, thường cho rằng các sự việc xảy ra trong cuộc sống có mối liên hệ mật thiết và bản thân có khả năng ngoại cảm, giác quan thứ 6 nên mới có thể nhận ra những điều bất thường này.
- Ở giai đoạn thanh thiếu niên, rối loạn nhân cách dạng phân liệt có thể được cảnh báo bằng các giấc mơ có nội dung kỳ quái, huyền tưởng.
- Một số trường hợp có tư duy bị hại, hoài nghi những người xung quanh.
- Phần lớn đều không có bạn bè, số ít có bạn thân nhưng đa phần đều là bạn từ thời mẫu giáo hoặc cấp 1.
- Cảm xúc nghèo nàn, đôi khi kích động và nhạy cảm nhưng không phù hợp với hoàn cảnh.
- Một số trường hợp xuất hiện hiện tượng tri giác sai thực tại (có cảm giác bản thân bị tách rời ra khỏi cơ thể, cảm nhận mọi thứ mơ hồ, không chính xác…).
- Không thoải mái khi giao tiếp vì lo sợ bị hại và ám sát.
Người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt thường chọn sống một mình, có thể nuôi nhiều thú cưng để làm bạn và chăm sóc. Mọi người xung quanh dễ dàng nhận thấy những người có dạng nhân cách này sống tách biệt, thiếu tương tác xã hội, vô cùng lập dị và kỳ quái.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách nhóm A
Vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nguyên nhân gây rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách nhóm A nói riêng. Sau những nỗ lực nghiên cứu, một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh:
1. Yếu tố di truyền
Bằng chứng cho thấy, có khoảng hơn 50% trường hợp rối loạn nhân cách di truyền từ bố mẹ sang con cái. Con số này nhiều hơn so với dự đoán và khiến không ít chuyên gia bất ngờ. Bởi từ trước đây, nhân cách vốn dĩ được cho là được hình thành từ trải nghiệm sống và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cách giáo dục.
Đối với rối loạn nhân cách nhóm A, các chuyên gia thấy rằng, nam giới có bố mẹ, anh chị em ruột bị tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, rối loạn hoang tưởng, rối loạn phân liệt cảm xúc… sẽ có nguy cơ phát triển các nhân cách bất thường. Kết quả này cho thấy, cách hành xử, tư duy và bộc lộ cảm xúc thật sự chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hoạt động của não bộ.
2. Trải nghiệm đau buồn trong quá khứ
Mặc dù vai trò của di truyền đã được xác định nhưng không vì thế mà phủ nhận sự chi phối mạnh mẽ của trải nghiệm sống đối với quá trình hình thành nhân cách. Các dạng rối loạn nhân cách nhóm A có thể phát triển ở những người từng bị bạo hành, lạm dụng thể chất và tình dục.
Sống trong gia đình nguội lạnh, ít tình cảm khiến trẻ khi lớn lên hình thành những đặc tính nhân cách như cảm xúc cùn mòn, nghèo nàn, bộc lộ cảm xúc không phù hợp, né tránh các tình huống xã hội và thích sống tách biệt một mình.
Những người phát triển nhân cách Paranoid có thể đã trải qua tuổi thơ không êm đềm, thường xuyên chứng kiến cha nghi ngờ mẹ hoặc ngược lại. Ngoài ra, cha mẹ thiếu tin tưởng con cái cũng tạo nên tính cách nghi ngờ có phần thái quá, dai dẳng khi trưởng thành.
3. Cơ chế phòng vệ tâm lý
Để bảo vệ bản thân trước những yếu tố gây stress và tình huống không thuận lợi, phản kháng tâm lý có thể bộc phát từ bên trong tiềm thức. Cơ chế phòng vệ tâm lý được chứng minh có vai trò trong hầu hết các rối loạn nhân cách, bao gồm cả rối loạn nhân cách nhóm A.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng được cho là kết quả mà tiềm thức đáp trả với các yếu tố gây stress. Việc nghi ngờ mọi thứ sẽ giúp bản thân không bị lừa dối, tránh khỏi những đau khổ và tổn thương. Dạng nhân cách này cũng được hình thành do tâm lý không chấp nhận thực tại, muốn chối bỏ mọi thứ bằng suy nghĩ bản thân là kẻ bị hại và bị lừa dối.
Rối loạn nhân cách phân liệt và dạng phân liệt được cho là kết quả của phòng vệ tâm lý để chống lại sự gây hấn. Đặc tính sống tách biệt, cô độc, ít ganh đua và né tránh các tình huống giao tiếp… là cách phòng vệ “vô thức” nhằm giúp bản thân tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống.
Cơ chế tâm lý phòng vệ sẽ có sự khác biệt ở từng người, dựa vào tính cách sẵn có và môi trường sống. Nếu như rối loạn nhân cách nhóm A thường phản kháng bằng sự nghi ngờ quá mức, sống tách biệt, ít thể hiện cảm xúc thì rối loạn nhóm B lại có phản ứng bi kịch hóa hoặc trở nên ích kỷ, thủ đoạn để đảm bảo lợi ích của bản thân.
4. Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh
Rối loạn nhân cách nhóm A nói chung và rối loạn nhân cách dạng phân liệt nói riêng được cho là liên quan đến sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh. Khi nghiên cứu, các chuyên gia thấy rằng, nồng độ norepinephrine, serotonin, dopamine… đều không nằm ở mức cân bằng.
Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy, nồng độ monoamine oxidase, khối lượng vỏ não thùy trán và cử động mắt đều giảm. Những yếu tố này ít nhiều đều ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, tư duy, khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi tạo nên một trạng thái nhân cách hằng định, kéo dài.
5. Các yếu tố khác
Rối loạn nhân cách nhóm A được phát hiện khá sớm nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa thể lý giải. Khi nghiên cứu căn nguyên và cơ chế bệnh sinh, các chuyên gia còn nhận thấy những yếu tố sau đây:
- Cách giáo dục không phù hợp: Một số bậc phụ huynh vì không muốn con cái bị lừa dối nên thường xuyên dạy con học cách nghi ngờ mọi thứ. Cách giáo dục có phần cực đoan sẽ góp phần làm phát triển các dạng nhân cách bất thường mà rối loạn nhân cách nhóm A là đơn cử.
- Là nam giới: Các chuyên gia nhận thấy, phụ nữ có xu hướng bộc lộ cảm xúc với cường độ cao và biểu cảm đa dạng hơn so với nam giới. Vì vậy, rối loạn nhân cách nhóm A với cảm xúc cùn mòn, thờ ơ, sống tách biệt… dễ phát triển ở nam hơn so với nữ.
Rối loạn nhân cách nhóm A: Biến chứng và Tiên lượng
Tiên lượng của rối loạn nhân cách nhóm A khá đa dạng, một số trường hợp chuyển biến tốt nhưng cũng có trường hợp nghiêm trọng hơn theo thời gian. Dù vậy, tiên lượng vẫn được đánh giá khả quan hơn rất nhiều so với rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Nếu được điều trị tích cực, các triệu chứng có thể giảm nhẹ, bệnh nhân ổn định được cuộc sống và tạo dựng, duy trì những mối quan hệ thân thiết. Trong đó, rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách phân liệt có tiên lượng tốt hơn rối loạn nhân cách dạng phân liệt.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có tiến triển dè dặt, đa phần đều nặng hơn theo thời gian. Bệnh nhân có xu hướng tự sát cao (chiếm khoảng 10%) và dễ phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát. Tỷ lệ nghiện rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện cũng cao hơn bình thường.
Với rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách phân liệt, chậm trễ trong việc điều trị hoặc môi trường sống không được cải thiện cũng đưa đến không ít biến chứng. Nguy cơ cao phát triển chứng trầm cảm, rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt, loạn thần, rối loạn lo âu…
Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe, người bị rối loạn nhân cách nhóm A cũng gặp trở ngại trong công việc. Một số người có công việc ổn định nhưng do ít ganh đua nên khó thăng tiến. Số khác có thể thất nghiệp do thường xuyên gây hấn, mâu thuẫn với đồng nghiệp, suy nghĩ và hành vi lập dị, khác thường.
Phần lớn đều sống cô độc vì không muốn gần gũi, thân thiết với bất cứ ai. Một số người có thể kết hôn nhưng thường ly hôn sau đó không lâu do bạn đời không thể đồng cảm với tính cách ghen tuông thái quá và nghi ngờ vô căn cứ…
Chẩn đoán rối loạn nhân cách nhóm A
Rối loạn nhân cách có những triệu chứng tâm thần rõ rệt như tư duy kỳ quái, tri giác sai thực tại, hoang tưởng, cảm xúc cùn mòn… Tuy nhiên, những triệu chứng này chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đưa ra rối loạn tâm thần điển hình.
Hiện tại, cả ICD (Bảng Phân loại bệnh quốc tế) và DSM (Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê các rối loạn tâm thần) đều đã có tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn nhân cách. Nếu nghi ngờ gặp phải các vấn đề về rối loạn nhân cách nhóm A, bệnh nhân sẽ được đánh giá lâm sàng, khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp CT, MRI não…
Thực tế, các xét nghiệm này hoàn toàn không giúp ích trong chẩn đoán xác định nhưng có thể loại trừ các khả năng có thể xảy ra như rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt, chấn thương não bộ, rối loạn tâm thần do nghiện chất…
Sau khi đã loại trừ tất cả các khả năng, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM hoặc ICD để đưa ra chẩn đoán xác định. Để kết quả chẩn đoán được khách quan, cần có người thân hoặc người chung sống, kế cận hỗ trợ. Những người xung quanh sẽ có đánh giá chính xác về các bất thường trong suy nghĩ, cách ứng xử và bộc lộ cảm xúc của bệnh nhân.
Hướng điều trị cho các rối loạn nhân cách nhóm A
Điều trị rối loạn nhân cách nhóm A được đánh giá không quá khả quan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị tích cực và có môi trường sống thuận lợi, những đặc tính nhân cách bất thường sẽ được điều chỉnh dần. Vì nhân cách là yếu tố hằng định, khó thay đổi nên quá trình điều trị cần đến sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và xã hội.
Hiện nay, tâm lý trị liệu vẫn là giải pháp tối ưu nhất cho rối loạn nhân cách. Đối với nhóm A, có thể cân nhắc dùng thêm thuốc để giảm bớt triệu chứng hoang tưởng, loạn thần…
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị rối loạn nhân cách nhóm A bao gồm:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau được thực hiện với mục đích thay đổi và điều chỉnh tâm lý. Phương pháp này thường sử dụng hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Hiện nay, hầu hết các rối loạn tâm thần đều được khuyến khích kết hợp hóa dược và trị liệu tâm lý để tối ưu hiệu quả.
Đối với rối loạn nhân cách nhóm A, trị liệu tâm lý có vai trò nâng đỡ tinh thần.Tuy nhiên ở người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng, quá trình trị liệu chỉ mang lại hiệu quả khi chuyên gia xây dựng được niềm tin cho mối quan hệ. Tránh để người bệnh nảy sinh nghi ngờ, cho rằng chuyên gia cố ý làm hại, lừa dối bản thân.
Sau đó, có thể can thiệp liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) để thay đổi sự nghi ngờ dai dẳng, nhấn mạnh vào thực tế và xây dựng lối tư duy logic. Liệu pháp này cũng giúp bệnh nhân phát huy thế mạnh của bản thân và chủ động hơn trong cuộc sống.
Tương tự, rối loạn nhân cách phân liệt và dạng phân liệt cũng cần liệu pháp nâng đỡ. Tùy vào những khó khăn mà người bệnh gặp phải, chuyên gia sẽ đề ra hướng can thiệp phù hợp.
Thông thường, những người bị rối loạn nhân cách nhóm A sẽ được trị liệu để nhận biết và bộc lộ cảm xúc phù hợp. Xác định tầm quan trọng của các mối quan hệ, biết cách duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, liệu pháp xã hội, liệu pháp tâm lý nhóm, luyện tập thư giãn… cũng sẽ được cân nhắc.
2. Sử dụng thuốc
Rối loạn nhân cách nhóm A có những nét điển hình của loạn thần, hoang tưởng nên sử dụng thuốc có thể làm giảm một số triệu chứng. Tùy theo dạng rối loạn nhân cách cụ thể, các loại thuốc được xem xét sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống loạn thần: Các loại thuốc chống loạn thần như Haloperidol, Olanzapine… thường được dùng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách nhóm A. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng như hoang tưởng, tri giác sai thực tại, ảo giác.
- Thuốc an thần benzodiazepine: Thuốc an thần nhóm benzodiazepin như Diazepam được cân nhắc dùng cho người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Thuốc có tác dụng giảm lo âu, cải thiện trạng thái lo lắng quá mức do thường xuyên phải cảnh giác cao độ. Ngoài ra, thuốc còn giải quyết các vấn đề như mất ngủ, kích động…
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm thường được dùng cho người có nhân cách phân liệt. Những người này thường sống tách biệt, cô độc nên rất dễ phát triển chứng trầm cảm. Sử dụng thuốc sẽ giúp cân bằng tâm trạng, cải thiện tình trạng đau khổ, u uất, buồn chán…
Dùng thuốc chỉ giúp ích trong việc cải thiện một số triệu chứng cơ thể và tâm thần, không thể thay đổi các đặc tính nhân cách. Vì tính cách là yếu tố hằng định nên quá trình trị liệu sẽ mất rất nhiều thời gian. Gia đình và xã hội cần hỗ trợ để người bệnh kiên trì điều trị, tiếp thêm động lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại và hướng đến cuộc sống tích cực, lành mạnh hơn.
Rối loạn nhân cách nhóm A là một trong ba nhóm rối nhân cách theo phân loại của DSM. Vì nguyên nhân chưa rõ ràng nên không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn. Gia đình có tiền sử tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng… cần chú ý những biểu hiện khác thường của các thành viên đều kịp thời thăm khám, điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!