Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (hội chứng PMDD): Biểu hiện, điều trị
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một dạng rối loạn tiền kinh nguyệt nặng khá phổ biến hiện đang gây ảnh hưởng từ 3 đến 8% phụ nữ trên toàn thế giới. Tình trạng này thường diễn ra trước và trong giai đoạn hành kinh, gây nên nhiều cản trở đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (hội chứng PMDD) là gì?
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có tên tiếng Anh là Premenstrual Dysphoric Disorder, viết tắt là PMDD. Đây là một dạng khá phổ biến của rối loạn tiền kinh nguyệt (PMS) thường diễn ra trước thời kỳ hành kinh của phụ nữ.
Đây là một tình trạng bệnh lý mãn tính đang có sự ảnh hưởng lớn đến phụ nữ, cụ thể là từ 3 đến 8% trên tổng số phụ nữ thế giới. Dạng bệnh này được đánh giá với mức độ nghiêm trọng, đặc trưng bởi những sự biến đổi tâm trạng thường xuyên và bất thường có kèm theo rất nhiều các biểu hiện về sinh lý, thể chất nặng nề ở giai đoạn sau khi rụng trứng.
Các triệu chứng của PMDD thường sẽ trở nên nghiêm trọng trong giai đoạn tiền kinh nguyệt và giảm dần sau khi kinh nguyệt xuất hiện. Theo đó, các chuyên gia nhận thấy rằng, một vài triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có sự tương đồng với hội chứng tiền kinh nguyệt, cụ thể chính là những suy giảm về thể chất như căng ngực, đầy hơi,….
Ngược lại, các biểu hiện về mặt cảm xúc, tinh thần của người bệnh thường sẽ khá giống với các triệu chứng trầm cảm nặng. Người bệnh sẽ có sự thay đổi bất thường về mặt cảm xúc, hay cảm thấy mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực, bi quan, mất hứng thú với hầu hết các hoạt động xã hội, kích động, giận dữ, cáu gắt hoặc thậm chí có ý định tự sát.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh. Do đó, tình trạng bệnh lý này cần phải sớm được phát hiện và có biện pháp khắc phục, cải thiện hiệu quả để giảm bớt những tác hại nguy hiểm đối với từng bệnh nhân.
Biểu hiện của PMDD?
PMDD là dạng bệnh nặng và nghiêm trọng nhất trong các rối loạn tiền kinh nguyệt. Các biểu hiện của bệnh thường sẽ xuất hiện từ 1 – 2 tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt và kéo dài liên tục cho đến khi có kinh, sau đó sẽ dần thuyên giảm.
Như đã chia sẻ, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt sẽ được đặc trưng bởi những cảm xúc thay đổi bất thường có kèm theo hàng loạt các triệu chứng về thể chất gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống của bệnh nhân. Cụ thể một số biểu hiện thường gặp như:
- Thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản, mệt mỏi, bi quan, tuyệt vọng về cuộc sống.
- Không còn nhiều hứng thú đối với các hoạt động diễn ra xung quanh đời sống hàng ngày, không muốn làm bất cứ công việc gì.
- Tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, cáu kỉnh quá mức hoặc có thể trở nên nhạy cảm, khóc lóc không rõ lý do.
- Dễ gây nên các mâu thuẫn, tranh cãi trong các mối quan hệ.
- Cảm thấy lo lắng, bất an nhưng không tìm được nguyên nhân.
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, ủ rũ, thiếu năng lượng.
- Suy giảm khả năng tập trung, chú ý, khó khăn trong việc đưa ra các lựa chọn, quyết định hàng ngày.
- Rối loạn giấc ngủ, thường sẽ cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu giấc, trằn trọc không ngủ được.
- Thói quen ăn uống cũng bị thay đổi bất thường, chán ăn hoặc ăn quá mức.
- Thu mình, không muốn giao tiếp, tương tác với những người xung quanh, tự cô lập bản thân.
- Hay quên trước quên sau, lú lẫn.
- Có ý định muốn tự sát.
- Ngoài ra, PMDD còn gây ra các triệu chứng về thể chất như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đau cơ, suy giảm thị lực, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh liên hồi, chóng mặt, ngứa ran ở tứ chi, co thắt cơ, giảm ham muốn tình dục, hôn mê,….
Bên cạnh các biểu hiện thường gặp trên thì người bệnh cũng có nhiều nguy cơ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Một số vấn đề về da: Viêm da, ngứa da, da ửng đỏ, nổi mụn trứng cá,….
- Ứ nước: Gây nên các ảnh hưởng như tay chân sưng vù, đau ngực, giảm sản xuất nước tiểu, tăng cân,…
Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt rất dễ bị nhầm lẫn với hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc tình trạng trầm cảm nặng. Các biểu hiện của bệnh thường sẽ không xuất hiện liên tục từ ngày này qua ngày khác mà sẽ khởi phát vào trước khi kinh nguyệt đến, các cơn rối loạn sẽ tồn tại ít nhất trong vòng 12 tháng gây nên các ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động xã hội và sức khỏe của bệnh nhân.
Phân biệt rối loạn tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Rối loạn tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là hai tình trạng bệnh lý có sự ảnh hưởng lớn đối với phụ nữ. Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, PMS là tình trạng bệnh có sự phổ biến hơn bởi nó ảnh hưởng từ 20 đến 40% phụ nữ ở nhiều mức độ khác nhau và PMDD chỉ chiếm khoảng từ 3-8% ở đối tượng này.
Để có thể phân biệt rõ ràng về hai chứng rối loạn này, người ta thường sẽ dựa vào triệu chứng đặc trưng của bệnh. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, các triệu chứng của PMDD sẽ xuất hiện nghiêm trọng và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn. Tình trạng này bao gồm cả các triệu chứng về tâm lý, cảm xúc và thể chất khiến cho người bệnh khó có thể duy trì tốt các sinh hoạt đời sống, đồng thời cũng khiến cho sức khỏe dần bị suy nhược.
Nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được rõ ràng về nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên dựa theo nghiên cứu nhận thấy rằng, phần lớn các triệu chứng của bệnh đều xuất hiện và kéo dài từ trước thời kỳ hành kinh nên các chuyên gia cũng có những giả thuyết về sự ảnh hưởng của hormone diễn ra bên trong cơ thể của phụ nữ.
Cụ thể một số giả thuyết được đặt ra khi nói về nguyên nhân gây ra PMDD như:
- Sự biến đổi về nội tiết tố: Do các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường chỉ diễn ra trong thời kỳ trước hành kinh nên việc bị ảnh hưởng về sự biến đổi hormone là điều khó tránh khỏi. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, thời gian này, hàm lượng progesterone sẽ gia tăng đáng kể kèm theo sự thay đổi về đường huyết, ADH, prolactin,…khiến cho trạng thái cơ thể dần bị biến đổi nhanh chóng và gây ra các triệu chứng ảnh hưởng.
- Yếu tố di truyền: Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cũng có khả năng liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào xác định rõ về vấn đề này, đồng thời các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra loại gen gây bệnh.
- Tiền sử bệnh lý: PMDD cũng sẽ có nguy cơ khởi phát cao hơn ở những phụ nữ đã từng bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu hoặc PMS.
- Các yếu tố khác: Một số tác động như thói quen thường xuyên sử dụng thuốc lá, thuốc tránh thai hay những trường hợp thừa cân, suy giảm về tinh thần, căng thẳng, lo âu quá mức cũng có nguy cơ mắc phải chứng rối loạn này.
PMDD ảnh hưởng như thế nào?
Mặc dù các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt khá giống với chứng trầm cảm nặng nhưng căn bệnh này thường sẽ được định nghĩa là một chứng rối loạn nội tiết với sự liên quan đến hormone của phụ nữ trước khi diễn ra giai đoạn hành kinh. Theo đó, bệnh cũng sẽ được liệt kê vào DSM-5 như một vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cùng hàng loạt các triệu chứng về tinh thần, thể chất.
PMDD được xem là một trong các dạng bệnh nghiêm trọng, nặng nề nhất của PMS với sự ảnh hưởng to lớn đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Mỗi tháng, trước khi hành kinh, phụ nữ thường sẽ phải đối diện với hàng loạt các triệu chứng về cảm xúc và thể chất khiến họ dần bị suy nhược về cơ thể và không thể đáp ứng tốt các hoạt động hàng ngày.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt mà bệnh nhân sẽ xuất hiện số lượng triệu chứng với sự tác động khác nhau. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh cũng sẽ dần thuyên giảm sau khi kinh nguyệt xuất hiện nhưng nó vẫn gây ra các ảnh hưởng đối với bệnh nhân nếu không được sớm điều trị, khắc phục tốt.
Có thể dễ dàng nhận thấy, ảnh hưởng lớn nhất của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt đó chính là sự suy giảm về sức khỏe tinh thần. Trong giai đoạn khởi phát các triệu chứng, bệnh nhân dường như không thể tự kiểm soát và khống chế cảm xúc của bản thân, thường xuyên chán nản, mệt mỏi và không còn đủ tỉnh táo để hoàn thành bất kỳ công việc gì.
Đặc biệt hơn, giống với các triệu chứng của trầm cảm nặng, bệnh nhân có thể hình thành những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là tự sát hoặc ngược đãi bản thân vô cùng nguy hiểm. Điều này còn gây nên những tác động xấu đối với mối quan hệ gia đình, xã hội của người bệnh. Do những cảm xúc rối loạn nên họ dễ trở nên cáu gắt, giận dữ vô cớ với những người xung quanh.
Kèm theo đó, bệnh nhân sẽ phải đối diện với những triệu chứng về thể chất khiến cho cơ thể dần kiệt quệ, suy giảm về sự tập trung, chú ý. Vì thế, phần lớn người bệnh trong giai đoạn này đều không thể duy trì tốt các hoạt động đời sống, hiệu suất làm việc, học tập cũng dần bị ảnh hưởng.
Cách điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một tình trạng mãn tính gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống của bệnh nhân. Chính vì thế, việc hỗ trợ điều trị và khắc phục trong giai đoạn sớm đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi tình trạng ở mức độ khác nhau.
Hiện nay, đối với các tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra phác đồ điều trị với những biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả nhất. PMDD thường sẽ được ưu tiên áp dụng sử dụng thuốc kết hợp cùng việc thay đổi lối sống lành mạnh, tích cực để dần loại bỏ tốt các triệu chứng nguy hiểm.
Cụ thể một vài biện pháp sẽ được chỉ định trong các trường hợp rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt như:
1. Sử dụng thuốc điều trị
Như đã nói, PMDD là một bệnh mãn tính có sự liên quan đến các rối loạn nội tiết, sự biến đổi của hormone nên việc sử dụng thuốc thường chỉ mang tính chất hỗ trợ, giúp thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm chứ không thể điều trị tận gốc, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Đồng thời, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc điều trị cụ thể nào. Phần lớn các trường hợp bệnh được chỉ định sử dụng thuốc đều sẽ được hỗ trợ bằng một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng ảnh hưởng về thể chất và tinh thần.
Một vài loại thuốc thường xuyên được sử dụng hiệu quả như:
- Thuốc chống trầm cảm: Có thể được chỉ định sử dụng liên tục trong tháng hoặc dùng trước 10 đến 14 ngày so với ngày hành kinh. Các loại thuốc được dùng như fluoxetine, sertraline và paroxetine,…
- Thuốc tránh thai: Để giúp kiểm soát tốt các tác động của quá trình rụng trứng, bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc kết hợp progesterone và estrogen đối với bệnh nhân PMDD.
- Thuốc chống viêm không steroid: Những loại thuốc này sẽ được sử dụng với mục đích giảm bớt các triệu chứng về thể chất như chuột rút, tình trạng giữ nước,…
- Các loại vitamin, thuốc bổ sung canxi: Giúp tăng cường sức khỏe và giảm thiểu ảnh hưởng của các triệu chứng bệnh.
Việc dùng thuốc cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của chuyên gia, đặc biệt là các loại thuốc hỗ trợ tâm thần với nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Bệnh nhân cần phải uống thuốc đúng theo yêu cầu về liều lượng, thời gian, loại thuốc để giúp cho tinh trạng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được khắc phục hiệu quả.
Đối với các trường hợp PMDD quá nghiêm trọng, các triệu chứng biểu hiện nặng và gây ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân thì bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu sử dụng chất chủ vận nội tiết giải phóng GnRH (Goserelin, Leuprolid) + Progestin/ Estrogen với liều lượng thấp thích hợp cho từng đối tượng bệnh khác nhau.
2. Thay đổi lối sống hàng ngày
Xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh, tích cực cũng là một trong các giải pháp hiệu quả để giúp loại bỏ tốt các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Người bệnh cần phải biết cách cân bằng tốt giữa công việc, sinh hoạt đời sống và thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng để tránh gây ra những biến đổi về tâm lý, thể chất.
Theo các chuyên gia chia sẻ rằng, những thói quen ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày của phụ nữ chính là yếu tố góp phần gây nên những triệu chứng tồi tệ khi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt. Do đó, để cơ thể và tinh thần được hoạt động tốt hơn, bệnh nhân cần phải chú ý đến một số điều sau đây:
- Tránh làm việc căng thẳng quá mức, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn lành mạnh.
- Gia tăng chất lượng giấc ngủ hàng ngày, tập trung ngủ vào buổi tối và đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng qua các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, protein, omega-3 có lợi cho sức khỏe.
- Hạn chế ăn các món ăn có chứa nhiều dầu mỡ, tinh bột, gia vị.
- Tuyệt đối không được lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt là trong quá trình điều trị bằng thuốc.
- Duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao để giúp nâng cao sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng, lo âu an toàn tại nhà. Các bài tập yoga, thiền định, đi bộ, chạy bộ cũng được đánh giá rất tốt trong việc giảm thiểu các triệu chứng về tinh thần của người bệnh.
- Tìm kiếm cho bản thân những hoạt động thư giãn phù hợp, gia tăng sự chủ động trong cách chia sẻ, bày tỏ cảm xúc của bản thân với những người xung quanh.
3. Liệu pháp tâm lý
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được đặc trưng bởi rất nhiều các triệu chứng về tinh thần, cảm xúc nên việc hỗ trợ can thiệp tâm lý là điều vô cùng cần thiết đối với từng trường hợp bệnh khác nhau. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để được trao đổi và chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề của chính mình, từ đó có được biện pháp khắc phục, kiểm soát hiệu quả.
Các chuyên gia sẽ lắng nghe và tìm hiểu cụ thể về những tác động đối với tâm lý của người bệnh. Sau đó, họ sẽ tiến hành áp dụng các liệu pháp can thiệp phù hợp để giúp cho bệnh nhân dần giải tỏa, kiểm soát và điều chỉnh tốt các triệu chứng tâm lý bất ổn, tiêu cực.
Thông thường, đối với các tình trạng PMDD sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp thư giãn để giúp bệnh nhân nắm được những kỹ thuật kiểm soát cảm xúc, dễ dàng vượt qua những rối loạn trong suy nghĩ của bản thân. Sau quá trình trị liệu, bệnh nhân cũng sẽ dần loại bỏ tốt những triệu chứng tiêu cực về tinh thần, đồng thời biết cách đối phó tốt hơn với những cơn rối loạn diễn ra trước thời kỳ kinh nguyệt, hạn chế tốt các ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống.
4. Phẫu thuật
Nếu tình trạng PMDD xuất hiện kéo dài và trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân không thể đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nêu trên thì có thể được chỉ định phẫu thuật để kiểm soát, ngăn chặn tốt nguy cơ tự sát. Quá trình phẫu thuật sẽ được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, tay nghề cao để giúp loại bỏ 2 buồng trứng, hỗ trợ giảm nồng độ hormone bên trong cơ thể.
Phương pháp này sẽ giúp cho người bệnh chấm dứt sớm chu kỳ kinh nguyệt, từ đó làm giảm thiểu tối đa sự xuất hiện của các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi (trước 50 tuổi) sau khi tiến hành phẫu thuật sẽ được hỗ trợ áp dụng liệu pháp hormone cho đến khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
Trước khi tiến hành phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân PMDD, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cụ thể về lợi ích và rủi ro. Cũng bởi, việc cắt bỏ buồng trứng sẽ khiến cho bệnh nhân không thể mang thai nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thường sẽ được khuyến khích thực hiện sau khi bệnh nhân lập gia đình, sinh con.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tình trạng rối loạn tâm thần tiền mãn kinh (PMDD). Đây là một căn bệnh nghiêm trọng có sự ảnh hưởng lớn đối với các khía cạnh đời sống của bệnh nhân nên cần được hỗ trợ can thiệp, khắc phục trong giai đoạn sớm.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!