Clomipramine là thuốc gì? Công dụng, liều dùng và lưu ý

Clomipramine là loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần tốt, thích hợp dùng cho bệnh nhân trầm cảm nổi trội với khí sắc u sầu, mất ngủ, chán ăn. Vì tác dụng trên nhiều chất dẫn truyền thần kinh, thuốc còn được dùng để điều trị rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, đau mãn tính…

clomipramine là thuốc gì
Clomipramine là một trong những loại thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến trên lâm sàng

Clomipramine là thuốc gì?

Clomipramine là thuốc chống trầm cảm được sử dụng khá phổ biến. Dựa vào cơ chế, thuốc được xếp vào nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA). Loại thuốc này bắt đầu được sử dụng từ năm 1950 nhưng trở nên ít phổ biến hơn vào những năm 1990 khi các loại thuốc chống trầm cảm mới ra đời.

Thông tin cơ bản:

  • Tên thuốc: Clomipramine/ Clomipramin
  • Phân nhóm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
  • Dạng bào chế: Viên nén, viên nang, viên nén tác dụng kéo dài, dung dịch tiêm bắp hoặc tĩnh mạch
  • Hàm lượng thường dùng: Clomipramine  10mg, 25mg, 50mg, 75mg; loại tiêm có hàm lượng 12.5mg/ ống và 25mg/ ống 2ml

Cơ chế, công dụng của thuốc Clomipramine

Clomipramine là dẫn chất của dibenzazepin với cơ chế vô cùng phức tạp. Nhìn chung, các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng đều ức chế tái hấp thu serotonin và một số chất dẫn truyền thần kinh khác nhằm cải thiện tâm trạng, giảm buồn phiền, lo âu, căng thẳng…

Clomipramine đã được chứng minh tham gia vào quá trình ức chế tái hấp thu 5-HT (serotonin) và noradrenalin. Đặc biệt loại loại thuốc này ức chế mạnh hiện tượng tái hấp thu serotonin ở màng nơron trước synap nên mang lại hiệu quả cao đối với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Ngoài hệ thống serotonin và noradrenalin, Clomipramine còn tác động đến một số hệ thống khác như acetylcholin, dopamin, histamin, muscarin, thậm chí là thụ thể opiat, alpha 1 và 2. Với cơ chế vô cùng phức tạp, nguy cơ khi sử dụng thuốc cũng cao hơn so với các loại thuốc chống trầm cảm mới như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs).

Mặc dù cơ chế chính xác chưa được biết rõ nhưng Clomipramine đã được xác định mang lại những công dụng sau:

  • Cải thiện tâm trạng trong trạng thái u sầu, buồn bã, đau khổ
  • Tác dụng an thần, giảm tình trạng mất ngủ, khó ngủ
  • Giảm đau mãn tính liên quan đến nguyên nhân thần kinh
  • Cải thiện các triệu chứng thể chất có liên quan đến yếu tố tâm lý

Chỉ định – Chống chỉ định

Clomipramine được chỉ định trong những trường hợp sau:

Clomipramine giá bao nhiêu
Clomipramine có hiệu quả trong điều trị trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và đặc biệt là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Trầm cảm nổi trội với khí sắc u sầu, buồn bã
  • Cơn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng
  • Rối loạn hoảng sợ có hoặc không kèm chứng sợ khoảng rộng
  • Đau mãn tính không rõ nguyên nhân có biểu hiện chán ăn tâm thần và trầm cảm
  • Mất trương lực liên quan đến hội chứng ngủ rũ

Clomipramine đôi khi cũng được sử dụng trong điều trị các rối loạn khác như rối loạn ăn uống, hội chứng tiền kinh nguyệt, hội chứng tóc mây, chứng nói lắp… Các vấn đề thể chất có liên quan đến tâm lý như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương cũng có hiệu quả khi điều trị bằng loại thuốc này.

Phạm vi chỉ định của Clomipramine tương đối rộng và việc chỉ định thuốc sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ, khả năng đáp ứng, độ tuổi và cơ địa của bệnh nhân.

Clomipramine tác dụng lên nhiều hệ thống như serotonin, noradrenaline, muscarinic, histamin, acetylcholine, alpha… Vì vậy, loại thuốc này chống chỉ định với những đối tượng sau:

  • Người bị loạn nhịp tim hoặc block tim
  • Người đang ở trạng thái hưng cảm
  • Người đang hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim
  • Đang điều trị bằng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs). Trước khi chuyển sang điều trị bằng Clomipramine, phải ngừng MAOIs trước đó ít nhất 14 ngày.
  • Dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc

Cách dùng, liều lượng thuốc chống trầm cảm Clomipramine

Clomipramine dạng tiêm bắp, tĩnh mạch được sử dụng trong điều trị nội trú. Trong điều trị ngoại trú, thuốc được dùng ở dạng uống (viên nén, viên nang). Khi sử dụng, cần nuốt trọn viên thuốc với nước lọc, không dùng với các loại thức uống khác.

Giống như các loại thuốc chống trầm cảm khác, liều lượng sử dụng thuốc Clomipramine phụ thuộc vào vấn đề cần điều trị, độ tuổi, cơ địa và mức độ đáp ứng với điều trị. Trong quá trình sử dụng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ cải thiện để hiệu chỉnh liều cho phù hợp.

clomipramine tác dụng gì
Cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng

Người lớn:

Liều lượng khi điều trị trầm cảm:

  • Liều ban đầu 10mg/ ngày và tăng dần cho đến khi đạt 30 – 150mg/ ngày
  • Trường hợp nặng, không có đáp ứng với liều thấp sẽ được dùng liều cao 250mg/ ngày. Nếu vẫn không có đáp ứng, cần thay đổi thuốc, không tiếp tục tăng liều.

Liều dùng trong điều trị chứng mất trương lực trong hội chứng ngủ rũ:

  • Liều ban đầu 10mg/ ngày
  • Tùy vào mức độ đáp ứng, có thể tăng liều nhưng không quá 75mg/ ngày

Liều dùng thuốc Clomipramine trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

  • Liều khởi đầu 25mg/ ngày và duy trì trong 2 tuần.
  • Sau đó, có thể tăng liều từ từ cho đến khi đạt liều 100mg/ ngày. Với liều dùng này, nên chia thành 2 – 3 lần dùng.
  • Dựa vào mức độ đáp ứng, bệnh nhân có thể duy trì liều 100mg/ ngày hoặc tăng lên tối đa 250mg/ ngày.
  • Trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, Clomipramine được dùng trong khoảng 6 – 18 tháng và chỉ ngừng khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng trong điều trị rối loạn hoảng sợ:

  • Liều ban đầu 12.5mg/ ngày, sau đó có thể tăng liều từ từ tùy theo mức độ đáp ứng
  • Liều dùng tối đa 200mg/ ngày, chia thành nhiều lần uống

Liều dùng trong điều trị hội chứng đau mãn tính:

  • Liều dùng dao động từ 100 – 250mg/ ngày tùy theo mức độ đáp ứng
  • Nên chia nhỏ liều dùng để hạn chế tác dụng phụ

Trẻ em:

Đối với trẻ em, Clomipramine chủ yếu được dùng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các rối loạn tâm thần khác sẽ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm mới để tránh nguy cơ co giật.

Liều dùng Clomipramine trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em:

  • Chỉ dùng cho trẻ trên 10 tuổi
  • Liều ban đầu 25mg/ ngày duy trì trong 2 tuần.
  • Sau đó, có thể tăng liều từ từ tùy theo mức độ đáp ứng cho đến khi đạt liều tối đa 100mg/ ngày hoặc 3mg/ kg.
  • Không dùng quá 3mg/ kg/ ngày vì có thể gây co giật.

Clomipramine được khuyến cáo nên dùng sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa. Vì thuốc có tác dụng an thần nên nếu chỉ dùng liều thấp, tốt nhất nên uống thuốc 1 lần vào buổi tối sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

Tác dụng không mong muốn

Trước khi các loại thuốc chống trầm cảm mới ra đời, thuốc chống trầm cảm 3 vòng nói chung và Clomipramine nói riêng được sử dụng phổ biến. Nhóm thuốc này tác dụng trên nhiều hệ thống nên gây ra không ít tác dụng phụ. Trong khi đó, chỉ với hoạt động ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin là đủ để cải thiện các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu

Mặc dù có khá nhiều tác dụng phụ nhưng Clomipramine tỏ ra có hiệu quả trong điều trị trầm cảm nổi trội với biểu hiện giảm khí sắc rõ rệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… Khi được chỉ định dùng loại thuốc này, bệnh nhân nên trang bị kiến thức về tác dụng phụ để có thể nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường.

clomipramine tác dụng gì
Buồn ngủ quá mức, giảm khả năng tập trung… là những tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Clomipramine

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Chóng mặt, nhức đầu
  • An thần
  • Toát mồ hôi
  • Đánh trống ngực, tăng nhịp tim
  • Hạ huyết áp thế đứng
  • Khó tiêu, khô miệng, táo bón, chán ăn, giảm vị giác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Tâm lý lo âu, kích động
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Rối loạn chức năng tình dục (xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm khoái cảm và ham muốn tình dục)

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Co giật (thường do dùng liều cao)
  • Tăng huyết áp
  • Mất điều hòa
  • Bí tiểu tiện
  • Xuất hiện các triệu chứng loạn thần (ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng…)

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Rối loạn tế bào máu (tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu)
  • Ngất xỉu
  • Sốt
  • Ban xuất huyết
  • Rối loạn dẫn truyền nhĩ – thất
  • Rụng tóc
  • Viêm tuyến mang tai
  • Ảo giác
  • Tăng nhãn áp
  • Mê sảng (thường gặp ở người cao tuổi)

Giống như các loại thuốc chống trầm cảm khác, Clomipramine làm gia tăng hành vi tự sát trong thời gian đầu sử dụng. Vì vậy khi điều trị ngoại trú, bác sĩ sẽ trao đổi với gia đình để có thể hỗ trợ bệnh nhân. Ngoài ra, cần phải lưu ý khả năng người bệnh giả vờ uống thuốc, sau đó tích trữ thuốc với liều lượng lớn để tự sát.

Cách khắc phục tác dụng phụ của thuốc Clomipramine

Thuốc Clomipramine được sử dụng trong thời gian dài (khoảng 8 – 16 tháng) nên không tránh khỏi một số tác dụng phụ. Khi gặp phải biểu hiện không quá nghiêm trọng, việc giảm liều hay thay đổi thuốc là không cần thiết. Để giảm những phiền toái do tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Ngủ nhiều, buồn ngủ quá mức:

Clomipramine là một trong những loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, gây ngủ tốt. Tác dụng của thuốc có thể gây ra cảm giác buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Giải pháp trong trường hợp này là chỉ dùng thuốc 1 lần/ ngày vào buổi tối và có thể uống cà phê, trà vào ban ngày để duy trì sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, tập thể dục ngay sau khi thức dậy cũng là cách khắc phục cảm giác buồn ngủ hiệu quả.

Tăng cân:

Tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều gây tăng cân. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc làm tăng serotonin, từ đó kích thích cảm giác thèm ăn và gia tăng vị giác. Đồng thời, tình trạng giảm vận động và ngủ nhiều do trầm cảm cũng góp phần khiến cân nặng tăng nhanh.

Clomipramine
Trong thời gian dùng thuốc Clomipramine, cần điều chỉnh chế độ ăn uống để tránh tăng cân, béo phì

Tăng cân là tác dụng phụ thường gặp và không nguy hiểm. Tuy nhiên, thừa cân ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đồng thời khiến người bệnh có cảm giác tự ti, sống khép kín.

Trong thời gian dùng thuốc Clomipramine, bệnh nhân nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế dung nạp chất béo bão hòa, đường, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas… Tăng cường bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, thịt trắng, rau xanh và trái cây để cải thiện sức khỏe. Năng tập thể dục cũng là cách để tránh tăng cân, duy trì cân nặng hợp lý.

Rối loạn tiêu hóa:

Đường ruột và hệ thần kinh trung ương có mối liên hệ mật thiết. Khi dùng Clomipramine, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ gia tăng có thể ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của cơ quan tiêu hóa. Không ít bệnh nhân gặp phải tình trạng táo bón, bồn chồn, đầy bụng, khó tiêu… trong thời gian điều trị bằng loại thuốc này.

Giải pháp khắc phục các triệu chứng rối loạn tiêu hóa là xây dựng chế độ hợp lý, uống đủ nước, tập thể dục và thực hiện kỹ thuật thở bụng hằng ngày. Với các biện pháp này, bệnh nhân có thể kiểm soát tác dụng ngoại ý mà không cần dùng thuốc.

Hạ huyết áp thế đứng:

Clomipramine không chỉ tác dụng lên hệ thống serotonin mà còn ảnh hưởng đến thụ thể alpha. Vì vậy, một số bệnh nhân sẽ có biểu hiện hạ huyết áp thế đứng. Để thích nghi với tác dụng phụ này, người bệnh nên hạn chế thay đổi tư thế đột ngột.

Khi gặp phải tác dụng phụ, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục hiệu quả. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu giảm liều hoặc thay đổi thuốc trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tương tác thuốc

Nguy cơ quá liều và phát sinh phản ứng bất lợi có thể gia tăng khi xảy ra tương tác thuốc. Do đó, tuyệt đối không tự ý phối hợp thuốc Clomipramine với các loại thuốc điều trị, TPCN, viên uống khác.

Trên lâm sàng, Clomipramine đã được chứng minh có thể tương tác với các nhóm thuốc sau:

  • Thuốc tác dụng trên hệ serotoninergic: Dùng đồng thời Clomipramine với nhóm thuốc này có thể gây ra hội chứng serotonin. Do đó, tránh phối hợp Clomipramine với các nhóm thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm không điển hình…
  • Thuốc chống loạn thần: Sử dụng với các loại thuốc chống loạn thần như Olanzapine có thể làm tăng nồng độ Clomipramine trong huyết tương, từ đó dẫn đến động kinh do giảm ngưỡng co giật.
  • Thuốc chẹn adrenaline: Dùng Clomipramine với các loại thuốc chẹn tế bào thần kinh adrenalin có thể làm giảm tác dụng hạ áp của nhóm thuốc này.
  • Thuốc kháng cholinergic: Sử dụng đồng thời với Clomipramine sẽ làm tăng tác dụng kháng cholinergic ở bàng quang, thần kinh trung ương, mắt và ruột. Một số trường hợp còn có thể bị bí tiểu cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng khi phối hợp hai nhóm thuốc này.
  • Các loại thuốc tác dụng trên tim mạch: Dùng các loại thuốc như Phenylpropanolamine, Phenylephrine, Adrenalin với Clomipramine có thể làm tăng tác dụng trên tim mạch.
  • Các loại thuốc gây cảm ứng enzym gan: Nếu dùng Clomipramine với các loại thuốc gây cảm ứng lên enzym gan sẽ làm giảm hiệu quả chống trầm cảm. Giải pháp trong trường hợp này là tăng liều Clomipramine.
  • Thuốc lợi tiểu: Không khuyến cáo dùng Clomipramine với các loại thuốc lợi tiểu vì có thể làm giảm kali máu.
  • Các loại thực phẩm: Clomipramine có thể tương tác với đồ uống chứa cồn và bưởi. Để đảm bảo hiệu quả, nên tránh dùng thuốc với các loại thực phẩm và đồ uống kể trên. Clomipramine được khuyến cáo dùng ngay sau khi ăn để giảm kích ứng lên niêm mạc đường tiêu hóa.

Nhận biết và xử trí quá liều

Sử dụng Clomipramine quá liều gây ra rất nhiều phản ứng bất lợi. Nếu dùng liều quá cao có thể dẫn đến tử vong, đây cũng là lý do các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng ít khi là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh trầm cảm.

thuốc chống trầm cảm Clomipramine
Dùng Clomipramine quá liều sẽ gây múa vờn, hạ thân nhiệt, khô miệng và nôn mửa dữ dội

Các biểu hiện bất thường sẽ bắt đầu xuất hiện từ 30 – 120 phút sau khi uống thuốc. Thường gặp nhất là múa vờn, khô miệng, nôn mửa, suy hô hấp, co giật, hạ thân nhiệt, tăng phản xạ, giãn đồng tử…

Ngay khi phát hiện dùng thuốc quá liều, nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu nên xử trí thường là gây nôn, uống than hoạt để giảm hấp thu. Quá liều thuốc Clomipramine có thể gây tử vong nên cần theo dõi chặt chẽ trong 48 – 72 giờ đầu tiên và thực hiện điều trị triệu chứng, hỗ trợ hô hấp nếu cần.

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm Clomipramine

Dù ít được sử dụng hơn trước nhưng không thể phủ nhận vai trò của thuốc chống trầm cảm 3 vòng trong điều trị các rối loạn tâm thần. Hiện tại, Clomipramine vẫn được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

Trước khi dùng Clomipramine, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi dùng thuốc hướng thần nói chung và Clomipramine nói riêng, cần tránh uống rượu bia và dùng chất gây nghiện.
  • Trong thời gian đầu sử dụng, thuốc có thể gia tăng ý nghĩ và hành vi tự sát. Để tránh những tình huống đáng tiếc, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
  • Khả năng đáp ứng với Clomipramine không giống ở từng bệnh nhân. Trong suốt quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để hiệu chỉnh liều và thay đổi thuốc khi cần thiết.
  • Nếu phải dùng Clomipramine phối hợp với các loại thuốc chống trầm cảm khác (chủ yếu dùng trong điều trị trầm cảm kháng trị), cần chú ý hiện tượng co giật.
  • Sử dụng Clomipramine cho bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể khởi phát cơn loạn thần.
  • Dùng Clomipramine đột ngột có thể gây ra hội chứng ngưng thuốc chống trầm cảm. Trước khi ngừng hẳn, nên giảm liều từ từ trong ít nhất 2 tuần.
  • Clomipramine có thể làm gia tăng tai biến y khoa khi phẫu thuật. Để đảm bảo an toàn, phải dừng Clomipramine vài ngày trước khi can thiệp ngoại khoa.
  • Giống như các loại thuốc chống trầm cảm khác, Clomipramine thường được dùng trong thời gian dài. Vì tác dụng lên nhiều hệ thống nên bệnh nhân cần được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
  • Clomipramine không được cho thai phụ và phụ nữ đang cho con bú, trừ khi lợi ích mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ tiềm ẩn.
  • Nguy cơ gặp phản ứng bất lợi gia tăng khi dùng Clomipramine cho người bị tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt, glaucoma góc hẹp, cường giáp, u tủy thượng thận, suy gan nặng, sa sút trí tuệ và chấn thương não bộ…
  • Clomipramine là thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần mạnh nên không tránh khỏi cảm giác buồn ngủ, thiếu tập trung vào ban ngày. Trường hợp không duy trì được sự tỉnh táo, nên tránh làm việc trên cao hay vận hành máy móc, phương tiện giao thông.

Thuốc chống trầm cảm Clomipramine có giá bao nhiêu?

Thuốc chống trầm cảm Clomipramine 25mg có giá dao động từ 500.000 – 550.000 Đ/ hộp 30 viên. Thuốc có bán ở các nhà thuốc tây nhưng dược sĩ chỉ cung cấp thuốc khi có toa của bác sĩ.

thuốc chống trầm cảm Clomipramine
Clomipramine có giá bán khá cao nên ít được sử dụng hơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng Amitriptylin

Giá thuốc Clomipramine tương đối cao nên trong trường hợp phải dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, Amitriptylin vẫn được ưu tiên. Lý do là vì hiệu quả không quá chênh lệch nhưng giá thành hợp lý, kinh tế cho người bệnh.

Clomipramine là thuốc chống trầm cảm được sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh những tác dụng mang lại, loại thuốc này cũng gây ra không ít tác dụng ngoại ý. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bệnh nhân và người nhà có thêm hiểu biết để sử dụng thuốc đúng cách, an toàn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì? Triệu chứng, cách điều trị bệnh

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chứng rối loạn với sự kết hợp của những hành vi hiếu động quá mức...

rối loạn lo âu có nguy hiểm
Rối Loạn Lo Âu Có Nguy Hiểm Không? Lời khuyên từ chuyên gia

Lo âu là cảm xúc bình thường mà chúng ta phải trải qua khi đối mặt với một số vấn đề trong đời sống. Cảm...

trầm cảm không điển hình
Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

Trầm cảm không điển hình có những biểu hiện khác biệt so với trầm cảm bình thường. Người bệnh có thể cải thiện tâm trạng...

Trầm cảm cấp độ 2
Trầm cảm cấp độ 2: Nguyên nhân, nhận biết và điều trị

Trầm cảm cấp độ 2 là giai đoạn trầm cảm phát triển của cấp độ 1 với mức độ nghiêm trọng hơn, các biểu hiện...

Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển Con người & 2 năm thành lập Trung tâm Tâm lý Giáo dục Chuyên biệt NHC Việt Nam

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp